Nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công

Cập nhật ngày: 19/10/2012 09:37:37

Tại Đồng Tháp, chương trình khuyến công đến nay về quy mô tuy vẫn còn hạn chế so với các chương trình mục tiêu khác, nhưng có thể khẳng định, chương trình này đã mang lại hiệu quả khá tốt. Những năm qua, công tác khuyến công góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp.


Chương trình khuyến công đã giải quyết việc làm cho nhiều
 lao động nông thôn

Qua các hoạt động thiết thực của chương trình, giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng bình quân hàng năm 30,23%. Kết quả này góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, bộ mặt nông thôn dần được đổi thay, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nâng cao chất lượng lao động. Ngoài ra, chương trình còn tạo điều kiện và động lực hình thành các tổ chức sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi nhận thức và tăng cường khả năng quản lý sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả cao hơn cho các cá nhân, đơn vị thụ hưởng.

Trong 5 năm (2008 - 2012), chương trình đã tổ chức được 120 lớp dạy nghề nông thôn, có 4.328 lao động được học nghề, giải quyết cho 2.835 lao động có việc làm ổn định; mở 2 lớp sơ cấp cho 100 công nhân cơ khí đang làm việc; 24 lớp “Khởi sự doanh nghiệp” cho 688 học viên ở các cơ sở kinh doanh và dịch vụ, sinh viên của các Trường Cao đẳng trong tỉnh sắp ra trường; 11 lớp “Tăng cường khả năng kinh doanh” cho 255 học viên là cán bộ quản lý của các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh, nhằm nâng cao kiến thức về tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh, về nhân sự...

Điểm đáng ghi nhận khác là chương trình khuyến công đã hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng hạ tầng công nghiệp cho 43 tổ chức, cá nhân, cơ sở và doanh nghiệp. Tư vấn tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh với kinh phí bình quân 300 triệu đồng/năm. Chương trình còn phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm giới thiệu máy móc, thiết bị, công nghệ mới... Ngoài ra, qua chương trình khuyến công đã vận động và thành lập Hội cơ khí của tỉnh Đồng Tháp với 54 hội viên.

Bên cạnh kết quả đạt được, chương trình khuyến công vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại ảnh hưởng đến hoạt động này. Đó là sự phát triển của công nghiệp nông thôn, các nghề thủ công, các làng nghề tuy có quy hoạch và định hướng nhưng phần lớn vẫn còn mang tính tự phát. Công tác khuyến công chưa được triển khai đầy đủ tới tận cơ sở, việc nắm bắt tình hình hoạt động, kiểm tra thực hiện các đề án tại các địa phương và giải quyết khó khăn phát sinh từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa có cán bộ chuyên trách tại địa phương thực hiện. Việc phát triển các cụm, điểm công nghiệp tập trung ở huyện, thị phần lớn chỉ mới được quy hoạch, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng còn ít và chậm. Nguyên nhân do nguồn kinh phí có hạn, công tác đền bù giải tỏa còn một số bất cập, việc xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa mạnh mẽ và hiệu quả,...

Khả năng tiếp cận thị trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn còn hạn chế, kể cả thị trường trong và ngoài nước. Lao động ở các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động thường không ổn định nên công tác dạy nghề luôn bị ảnh hưởng.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp, để khắc phục những khó khăn tồn tại, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công đúng theo tinh thần Nghị định 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Thời gian tới, ngoài công tác tuyên truyền, Trung tâm khuyến công phối hợp tổ chức hệ thống cộng tác viên khuyến công ở cấp huyện và cấp xã phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cộng tác viên này sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh tuyên truyền phổ biến chính sách khuyến công, triển khai thực hiện các nội dung công tác khuyến công, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các dự án khuyến công trên địa bàn.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ tăng cường, mở rộng giao lưu với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và làng nghề trong nước để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trong công tác; học tập những mô hình mới, ngành nghề mới có hiệu quả và phù hợp để phổ biến cho các cơ sở, làng nghề trong tỉnh áp dụng. Quan tâm khen thưởng kịp thời đối với các doanh nghiệp có thành tích hoạt động tốt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nông thôn...

T.Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn