Ngành Công thương hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024
Cập nhật ngày: 23/12/2024 18:00:23
ĐTO - Chiều ngày 23/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công thương năm 2025.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan. Tại Đồng Tháp, đại diện lãnh đạo Sở Công thương chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đồng Tháp
Theo Bộ Công thương, năm 2024, hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD; trong đó xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD), vượt hơn 100 tỷ so với mức 681 tỷ USD của năm 2023. Trong đó, khu vực thị trường châu Á - châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều ước đạt 519,7 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2023, chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới (xuất khẩu ước đạt 197,4 tỷ USD, tăng 8,4%; nhập nhẩu ước đạt 322,3 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập siêu 124,9 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2023).
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao ở mức hai con số, với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng chủ lực. Xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD (vượt xa mức 354,7 tỷ USD của cả năm 2023), tăng 13,6% so với năm 2023 (năm 2023 giảm 4,6%), đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 9,6%, Thái Lan tăng 4,9%, Indonesia tăng 1,33%). Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp của người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%).
Đặc biệt, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 đã có sự phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng cao ở mức hai con số như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 71,7 tỷ USD, tăng 25%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD, tăng 2,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 52,6 tỷ USD, tăng 22%; hàng dệt may đạt 37 tỷ USD, tăng 11,2%; giày dép các loại đạt 22,9 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3%; sắt thép đạt 9,3 tỷ USD, tăng 11,8%...
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8% để tạo đà bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, ngành Công thương cần phát huy vai trò tiên phong trong phát triển, tạo được môi trường thông thoáng, tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách vừa được ban hành và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách mới về phát triển năng lượng; triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trong thu hút đầu tư; đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước, phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước, chú trọng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Ngành tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tập trung khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực và ký kết, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng…
Nhật Nam