Người cựu chiến binh nặng lòng với cây nhãn Châu Thành
Cập nhật ngày: 04/05/2024 05:34:11
ĐTO - Rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Nhất Linh (SN 1951), xã An Nhơn, huyện Châu Thành bắt tay vào sản xuất để phát triển kinh tế. Trải qua nhiều thăng trầm, nhờ sự bén duyên, kiên trì với cây nhãn, ông Linh trở thành một trong những hộ khá giả, có của ăn của để...
Ông Bảy chăm sóc vườn nhãn
Con đường dẫn vào nhà ông Nguyễn Nhất Linh (còn gọi là ông Bảy) ấp Tân An, xã An Nhơn (huyện Châu Thành) hai bên mướt mắt với những vườn nhãn thênh thang. Tháng 4, thời điểm nhãn ra hoa xen lẫn cùng những vườn nhãn chín rộ rất đẹp mắt...
Ông Bảy cũng là một trong những lão nông trồng nhãn nổi tiếng ở vùng đất cù lao này. Hôm chúng tôi đến thăm, ông đang dọn vườn, chăm tỉa nhãn chuẩn bị ngày thu hoạch. Cùng ông Bảy đi dạo một đoạn vườn nhãn trên 20 năm tuổi mới thấy được tâm huyết mà người nông dân dành cho “cây kinh tế” này. Cả một vườn nhãn thẳng tắp với những chùm nhãn chín mọng, trĩu quả.
Đưa tay hái chùm nhãn chín mọng, ông Bảy khoe: “Đây là nhãn Châu Thành. Giống này cho trái sai, năng suất cao, dễ chăm, dễ bán nên ở đây gần như ai cũng trồng loại nhãn này. Thương lái đến tận vườn thu mua không cần phải chở ra chợ tiêu thụ như ngày trước. Mỗi ngày, tôi hái được 2 - 3 tấn nhãn. Với thời tiết thuận lợi, thu hoạch hết vườn nhãn này cũng phải mất chục ngày”.
Theo ông Bảy, đất cồn ở An Nhơn rất hợp để trồng cây nhãn. Mỗi cây 20 năm tuổi có thể cho 400 - 500kg. So với trồng lúa hay các loại cây trồng khác, nhãn cho kinh tế cao hơn gấp 2,3 lần. “Trung bình 1 công nhãn 10 năm tuổi, thu hoạch được từ 1,5 - 3 tấn trái. Với giá bán dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg, mỗi vụ, trừ tất cả chi phí, nông dân thu lãi vài chục triệu đồng là bình thường”, ông Bảy nói.
Trở về cù lao An Nhơn sau khi kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhất (năm 1975), cũng như những cựu chiến binh khác, ông Bảy bắt tay vào xây dựng phát triển kinh tế. Với 5 công đất ruộng gia đình cho, lúc đầu, ông Bảy làm ruộng rồi chuyển sang canh tác nhiều cây trồng khác nhưng cuộc sống vẫn chưa khá lên được, chỉ đủ ăn.
Năm 1994, ở vùng An Nhơn có phong trào trồng nhãn Idor, ông Bảy xem đây là cơ hội để thay đổi cuộc sống của gia đình. Ông Bảy mua thử một vài nhánh nhãn Idor (nhãn Châu Thành) về trồng thử nghiệm. Những ngày đầu, canh tác loại cây này cũng vất vả vô cùng. Không giống như loại nhãn truyền thống, cây phát triển sum suê nhưng không ra hoa, đậu trái khiến cho tâm huyết ban đầu của vợ chồng ông lung lay.
Những chùm nhãn sum suê là công sức sau bao ngày chăm sóc của ông Bảy
Rồi ông Bảy cùng với những nông dân trong xóm tìm thầy, nghiên cứu cách trồng. Sau bao vất vả, cây chịu cho trái mang lại “quả ngọt” cho ông cũng như bà con vùng đất An Nhơn này. Với chất lượng đảm bảo, năng suất cao nên ông Bảy quyết định trồng nhãn Châu Thành trên cả 5 công đất của gia đình. Nhờ trúng mùa, trúng giá, ông Bảy mua thêm đất, tích lũy dần dần lên đến 20 công. Từ đó, thu nhập của gia đình ông cũng tăng lên. “Với 2ha nhãn, trừ chi phí, tôi kiếm được vài chục triệu mỗi năm, thoát cảnh chật vật kinh tế như xưa”, ông Bảy khiêm tốn nói.
Những năm qua, khi tỉnh đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo nên bao sự đổi thay tích cực đối với khu vực nông thôn. Hệ thống đường giao thông địa phương kết nối, đan nhựa hóa giúp hàng hóa thông thương dễ hơn. Bà con còn tham gia hội quán, hợp tác xã để cùng sản xuất sạch, cùng làm ăn liên kết. Ông Bảy cũng là thành viên “Canh Tân Hội quán”. “Hội quán đang bàn làm phân hữu cơ, giúp cây sinh trưởng tốt, chất lượng trái đảm bảo, nên tôi định tham gia để bón cho vườn nhãn của gia đình nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, phù hợp với nhu cầu thị trường ”, ông Bảy Linh chia sẻ.
Mỹ Nhân