Nông thôn Tháp Mười từng bước đi lên theo hướng bền vững
Cập nhật ngày: 05/11/2012 13:08:59
Là một trong những địa phương có diện tích lúa lớn của tỉnh, trong những năm qua, Tháp Mười luôn chú trọng đến công tác phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, hoàn thiện dần hệ thống hạ tầng, từng bước cải thiện cuộc sống của người nông dân...
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân
Toàn huyện có hơn 97.000ha lúa, năng suất bình quân 63 tạ/ha, có năm vụ đông xuân đạt 75-80 tạ/ha. Trong đó có hơn 30 ngàn ha được tưới tiêu bằng bơm điện, chiếm 88,35% diện tích sản xuất. Hiện nay có 4 xã có hệ thống đê bao khép kín là Mỹ Đông, Láng Biển, Tân Kiều và xã Mỹ An.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng dần qua các năm, trong đó có 423ha sen, 350ha dưa hấu, còn lại hoa màu khác được trồng luân canh với cây lúa. Chăn nuôi phát triển có quy mô tập trung, khép kín đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.
Đặc biệt, tận dụng các lợi thế: diện tích lúa (chiếm đến 1/4 diện tích lúa của tỉnh), tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất đạt 95% (trong đó khâu làm đất đạt 100%, phun thuốc bảo vệ thực vật trên 60%, thu hoạch và vận chuyển bằng máy 95%), hệ thống trạm bơm điện... nên những năm qua Tháp Mười đã chọn xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của huyện. Đến nay, đã có diện tích trên 3.000ha lúa thực hiện cánh đồng hiện đại.
Huyện cũng không ngừng tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện nhiều chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp được nông dân quan tâm và rất đồng tình tham gia đóng góp như: xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp ngày càng hoàn chỉnh, có hệ thống thủy lợi kiên cố hóa, điện khí hóa tưới tiêu bằng trạm bơm điện, cơ giới hóa khâu thu hoạch, xây dựng cánh đồng hiện đại tiến tới cánh đồng mẫu lớn, thực hiện các mô hình khuyến nông... qua đó có 66.718 lượt hội viên nông dân được đào tạo tập huấn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Nhìn chung, trình độ dân trí của nông dân không ngừng được nâng lên, nhờ áp dụng sản xuất ngày càng hiện đại nên nhiều hộ nông dân mạnh dạn kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề và làm giàu. Đến nay, có 4.158 hộ được Trung ương, tỉnh, huyện biểu dương khen thưởng là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đại diện cho hàng ngàn hộ nông dân của huyện.
Song song với việc đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, đào tạo cho nông dân có trình độ đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn được huyện triển khai đồng bộ như: xây dựng cầu, đường, trường học, y tế, giáo dục, điện, nước. Có 87% hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 98,5% hộ dân sử dụng điện; vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở 3 xã điểm và nhân dân đóng góp rất to lớn như: bắc mới và sửa chữa 81 cây cầu, nạo vét 32km thủy lợi nội đồng, nâng cấp và mở rộng 115,5km đường nông thôn, với sức đóng góp hơn 3,3 tỷ đồng và 29.600 ngày công; xây dựng cánh đồng mẫu lớn để cung cấp hàng hóa xuất khẩu được người dân quan tâm thực hiện.
Ngoài ra, huyện đã xây dựng 28 cụm, tuyến, bố trí cho 6.071 hộ vào sinh sống... góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thảo Vy