Phát huy giá trị ngành hàng hoa, kiểng

Cập nhật ngày: 24/12/2024 16:31:40

 

http://baodongthap.com.vn/database/video/20241224043345dt3-1.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển ngành hàng hoa, kiểng nhằm tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển bền vững. Cùng với đó, phát huy giá trị phong trào phát triển sinh vật cảnh theo hướng là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho người dân.


Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh báo cáo tại hội nghị chuyên đề “Kỹ thuật tạo dáng bonsai cho cây kiểng có giá trị kinh tế cao”

Phát triển ngành hàng hoa, kiểng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, hoa, kiểng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Những năm gần đây, ngành hàng hoa, kiểng của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tăng về số lượng và chất lượng, có năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài nước, đem lại lợi nhuận cho người trồng hoa, kiểng Đồng Tháp. Tổng diện tích trồng hoa, kiểng đạt gần 3.000ha, với trên 2.000 chủng loại, giá trị hơn 6.100 tỷ đồng (từ năm 2016 đến nay), phân bổ tại TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc và các huyện: Lai Vung, Lấp Vò.

Đồng Tháp đề ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng đạt 7.000 tỷ đồng, diện tích trồng hoa, kiểng toàn tỉnh đạt trên 3.500ha.

Để nâng cao giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng, thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh phát huy đa giá trị bằng việc kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình homestay; phát triển các sản phẩm OCOP từ hoa kiểng... Hiện nay, ngành hàng hoa kiểng ở TP Sa Đéc được công nhận 6 sản phẩm du lịch đạt OCOP 3 - 4 sao.


Để nâng cao giá trị ngành hoa, kiểng, thời gian qua, nông dân Làng hoa Sa Đéc luôn tìm kiếm và sản xuất nhiều giống hoa mới phục vụ nhu cầu thị trường

Thời gian qua, nông dân Sa Đéc chú trọng phát triển nhiều giống hoa, kiểng mới theo hướng nâng cao chuỗi giá trị. Điển hình như Tổ hợp tác sản xuất và cung ứng hoa kiểng khóm Tân An, phường An Hòa (TP Sa Đéc), xuất phát từ nhu cầu của nông dân trong khu vực khóm Tân An, đa số là manh mún, nhỏ lẻ nên đầu ra gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các thành viên trong tổ cùng vận động phát triển hoa, kiểng theo định hướng chung của Đảng ủy, UBND phường An Hòa giúp nâng cao hiệu quả sản phẩm canh tác, nâng cao thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết: “Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đối với ngành hoa kiểng, địa phương tiếp cận nhiều thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng, định hướng phát triển các mặt hàng hoa, kiểng tiềm năng. Cùng với đó, các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề; tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh hoa, kiểng Sa Đéc; đồng thời triển khai giải pháp quảng bá hình ảnh hoa, kiểng Sa Đéc đến với du khách gần xa thông qua nhiều sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại...”.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Ngành hàng hoa, kiểng đang tập trung tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết và thị trường, từng bước xây dựng và hoàn thiện hơn chuỗi sản xuất hoa, kiểng phát triển trên phạm vi cả nước. Để nâng cao giá trị ngành hàng hoa, kiểng, trong canh tác hoa, kiểng được ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong lai tạo, thuần dưỡng, chuyển giao giống mới, áp dụng kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới, kỹ thuật tưới tiết kiệm để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm hoa kiểng”.


Nghề sinh vật cảnh góp phần nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân

Phát huy giá trị nghề sinh vật cảnh

Xuất phát từ các yêu cầu, tiềm năng và thực tế tại địa phương, cùng sự phát triển ngành sinh vật cảnh và các ngành hàng chủ lực, tiềm năng khác của tỉnh, trong năm 2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh tổ chức thành công hội thảo tư vấn “Định hướng và giải pháp phát triển ngành hàng hoa, kiểng tại tỉnh Đồng Tháp”. Qua đó, các đại biểu làm rõ tiềm năng, lợi thế, cũng như chỉ ra những khó khăn, thách thức của ngành hàng hoa, kiểng. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao giá trị ngành hàng hoa, kiểng theo hướng thị trường gắn với phát triển du lịch, trải nghiệm; khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ... Gần đây, Liên hiệp Hội đã phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề “Kỹ thuật tạo dáng bonsai cho cây kiểng có giá trị kinh tế cao” nhằm phổ biến kiến thức cho người nông dân, hội viên trên địa bàn tỉnh về kỹ thuật tạo dáng bonsai cho cây cảnh có giá trị kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Phát huy tinh thần đam mê sáng tạo, thời gian qua, nhiều gia đình hội viên Hội Sinh vật cảnh tích cực đầu tư nhằm phát triển kinh tế từ mô hình nhà vườn sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh theo hướng kỹ thuật cao. Đến nay, các nghệ nhân tạo dựng được vườn sinh vật cảnh đa dạng, với nhiều loại cây bonsai, chủng loại phong phú, có giá trị cao. Nghề sinh vật cảnh còn góp phần giải quyết tốt nguồn lao động tại chỗ tại địa phương với thu nhập ổn định”.

Ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Thời gian tới, Hội Sinh vật cảnh tiếp tục phát triển, củng cố tổ chức Hội Sinh vật cảnh trong toàn tỉnh, vận động, tuyên truyền mục đích yêu cầu và lợi nhuận của việc nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh trong toàn tỉnh đến các tầng lớp nhân dân, mọi người, mọi nhà đều tích cực tham gia phong trào “Xanh, sạch, đẹp” tạo cảnh quan môi trường thay đổi nông thôn mới, đô thị ngày càng phát triển; mở rộng thị trường, giao lưu, trao đổi, mua bán sản phẩm sinh vật cảnh đều khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng: định nghĩa, quy định chuẩn, giá trị của các loại bonsai, kiểng cổ; giáo án và chuẩn giáo viên đứng lớp dạy nghề về bonsai, cây cảnh; công nhận và đề nghị công nhận nghệ nhân cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Quốc gia; từng bước hình thành khu chuyên biệt để giới thiệu, bảo tồn về sinh vật cảnh vừa là nơi quảng bá, tiêu thụ, kết hợp với du lịch để du khách thấy được việc sản xuất hoa kiểng Đồng Tháp từ khâu làm chậu, gieo hạt, chiết cành, ghép mắt, tạo khung, tỉa cành, tạo dáng, vừa là nơi thực tập của các lớp dạy nghề...”.

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn