Phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia
Cập nhật ngày: 28/11/2012 05:44:23
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm đến việc đầu tư, khai thác lợi thế biên giới của tỉnh; chủ trương xây dựng tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp thành khu vực vừa đảm bảo an ninh - quốc phòng, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, phát huy truyền thống láng giềng hữu nghị với nước bạn Campuchia.
Lương thực, thực phẩm thuộc nhóm những mặt hàng kinh doanh
chủ yếu tại khu vực cửa khẩu biên giới (ảnh minh họa)
Đồng Tháp có 17 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động, đa phần là các chợ nhỏ (thuộc hạng 3). Trong đó, có 7 chợ kiên cố, 10 chợ bán kiên cố. Những chợ này được quản lý và hoạt động theo quy chế chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Cụ thể, 5 chợ thành lập Ban quản lý chợ; 4 chợ do tư nhân quản lý; các chợ còn lại do UBND xã quản lý. Tại những khu chợ này, mặt hàng kinh doanh chủ yếu là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, bách hóa tổng hợp, quần áo may sẵn, điện tử...
Nhìn chung, những năm qua, hoạt động của các chợ trong khu kinh tế cửa khẩu đáp ứng được nhu cầu trao đổi, mua bán của cư dân biên giới (kể cả phía bạn Campuchia). Góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thị biên giới. Doanh thu bình quân thông qua các chợ khoảng 400 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng là thị trường tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng nông sản do người dân Campuchia ở các tỉnh giáp biên giới Việt Nam sản xuất và nuôi trồng như: lúa gạo, đậu nành, đậu xanh, sắn lát, trâu, bò... Đặc biệt, sau vụ mùa và vào dịp lễ Tết cổ truyền của Campuchia, số lượt người Campuchia sang mua sắm tại các chợ trong khu kinh tế cửa khẩu tăng hơn so với ngày thường (khoảng 300 lượt người/ngày).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới (đến cuối tháng 10/2012) là 61.331.206 USD. Hoạt động biên mậu qua các cửa khẩu giữa tỉnh Đồng Tháp và Prâyveng thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng sôi động hơn. Các doanh nghiệp trong nước tích cực xúc tiến việc đưa hàng Việt Nam sang thị trường Campuchia bằng nhiều hình thức như tìm đầu mối tiêu thụ, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do tỉnh tổ chức... Hiện một số sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh Đồng Tháp đã có mặt tại thị trường Campuchia (có doanh nghiệp đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện). Năm 2012, tổng sản lượng điện bán sang Campuchia ước thực hiện 23.307.479 kWh. Trong đó, sản lượng điện bán tại điểm cửa khẩu Dinh Bà đạt 23.077.248 kWh, tại cửa khẩu Thường Phước đạt 230.231 kWh.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp; ban hành chính sách ưu đãi đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp. Hàng năm, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Prâyveng đều ký thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và được các bên quan tâm triển khai đạt hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Ban Tây Miên Chay (Đông Bắc Campuchia) cũng đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư.
Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu thêm về đặc điểm của thị trường và thị hiếu tiêu dùng của người dân Campuchia, từ đó định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi quyết định xuất, nhập khẩu hàng hóa của mình để từng bước mở rộng thị phần ở thị trường Campuchia, đồng thời bổ sung nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Trong năm 2013, trong công tác phát triển thương mại biên giới, tỉnh Đồng Tháp sẽ thực hiện các hoạt động cụ thể như: triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại thị trường Campuchia; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vùng biên giới Việt Nam - Campuchia (kêu gọi đầu tư vào huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và TX. Hồng Ngự), hội chợ triển lãm thương mại tại tỉnh Prâyveng; tổ chức các đoàn doanh nghiệp trong tỉnh giao lưu với các doanh nghiệp Campuchia để tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa, tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa. Song song đó, tiếp tục triển khai các dự án đầu tư hạ tầng thương mại khu kinh tế cửa khẩu, triển khai Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam-Campuchia đến năm 2020.
Thanh Trâm