Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học

Cập nhật ngày: 25/10/2013 05:49:45

Những năm qua, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng sản xuất an toàn sinh học, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh chủ động xây dựng nhiều đề án, áp dụng những mô hình, chương trình tập huấn về các giải pháp kỹ thuật tiên tiến phục vụ trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân, ngày càng có nhiều người mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu tư, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.


Mô hình sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học

Trước tình hình dịch rầy nâu gây ra bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá làm thiệt hại trên diện rộng, năm 2010 Chi cục BVTV đã nuôi cấy và ứng dụng nấm xanh Metarhizium anisopliae thành công trong phòng trừ rầy nâu hại lúa. Thời gian đầu áp dụng, nhiều nông dân vẫn còn tâm lý ngần ngại khi thấy hiệu quả trừ rầy không nhanh chóng như sử dụng thuốc hóa học, nhưng sau quá trình áp dụng và khảo sát hiệu quả, hiện tại nông dân cảm thấy phấn khởi và tin dùng chế phẩm sinh học này.

Tiếp theo đó, năm 2011 ngành nông nghiệp cho ra đời mô hình “Ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng”. Đây là mô hình quản lí sâu rầy theo hướng an toàn sinh học kết hợp với công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng. Mô hình này giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giảm tác hại gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất từ 1,5 - 3 triệu đồng/ha. Hiện tại, mô hình đã thực hiện thành công tại các xã điểm nông thôn mới, trên cánh đồng liên kết ở 4 huyện: Tháp Mười, Cao Lãnh, Tam Nông và Lấp Vò, mỗi mô hình có diện tích thực hiện từ 8 - 40ha.

Từ năm 2011 - 2013 đã triển khai thực hiện 11 mô hình quản lý rầy nâu bằng thuốc sinh học kết hợp công nghệ sinh thái với tổng diện tích gần 300ha, có hơn 230 hộ nông dân tham gia. Nhờ các ứng dụng sinh học thành công trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất cũng như chất lượng nông sản luôn đảm bảo được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyễn Anh Dũng - nông dân chuyên sản xuất lúa giống ở ấp An Lạc, xã Định An, huyện Lấp Vò chia sẻ: “Từ ngày áp dụng mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” và sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng ngừa và xử lý dịch bệnh, sâu rầy trên ruộng lúa, tôi đã tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất cũng như sức khỏe được đảm bảo vì không phải thường xuyên tiếp xúc với thuốc hóa học”. Theo nhận định của nhiều bà con nông dân, sử dụng các biện pháp sinh học cho hiệu quả lâu dài, không làm ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm vượt trội hơn so với dùng thuốc hóa học.

Không dừng lại ở đó, trước tình hình sản xuất nông nghiệp thực tế của tỉnh nhà, ngành nông nghiệp cũng cho ra đời nhiều đề tài ứng dụng chuyển giao hiệu quả cho bà con nông dân như: Ứng dụng đưa giống bắp nếp mới (WAX 48) năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu bệnh sọc lá, ứng dụng hệ thống tưới trong sản xuất rau an toàn; nghiên cứu và quản lí bệnh chết nhánh trên cây nhãn và hàng trăm đề tài ứng dụng khác được chuyển giao đến với nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Từ năm 2011 đến nay, ngành đã tổ chức trên 250 buổi tọa đàm, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 9.700 nông dân. Qua đó, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà phát triển theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: “Năm 2013 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của nông dân. Trong thời gian tới, với vai trò định hướng chuyên môn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, Chi cục BVTV sẽ hướng dẫn nông dân hướng tới sản xuất các mô hình theo hướng an toàn sinh học, VietGap...; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu của thị trường; không khuyến khích nông dân sản xuất độc canh và sử dụng các giống cây trồng cũ kém hiệu quả. Để chuẩn bị cho việc thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của tỉnh, ngành cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng tốt yêu cầu và nhiệm vụ tỉnh đề ra”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn