Nghệ nhân Thái Lan hướng dẫn nghệ nhân huyện Tam Nông tạo hình sếu đầu đỏ
Cập nhật ngày: 07/12/2024 16:50:53
Từ các vật liệu có sẵn tại địa phương và thân thiện với môi trường như: rơm, giấy báo, đất sét... những nghệ nhân đến từ làng Sawai So, tỉnh Buriram (Thái Lan) phối hợp cùng các nghệ nhân tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp tạo nên những mô hình sếu đầu đỏ đầy sinh động, sắc nét. Hoạt động này diễn ra vào sáng ngày 7/12, tại Khu du lịch Tràm Chim, huyện Tam Nông.
Nghệ nhân làng Sawai So hướng dẫn chi tiết cách tạo hình sếu đầu đỏ
Trong quá trình tạo hình sếu đầu đỏ, đoàn nghệ nhân làng Sawai So nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn về kỹ thuật, cách chọn nguyên vật liệu cho các nghệ nhân của huyện Tam Nông, nhằm hướng đến tương lai tại Tam Nông sẽ có thật nhiều nghệ nhân lành nghề, tạo nên những mô hình sếu đầu đỏ bắt mắt. Qua đó vừa thu hút được du khách tham quan vừa truyền tải thông điệp bảo tồn và phát triển loài sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.
Rơm rạ là nguyên liệu sẵn có tại địa phương, thân thiện với môi trường, khi được sử dụng để tạo hình sếu đầu đỏ sẽ góp phần gia tăng giá trị từ cây lúa, nông dân còn được tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Được biết, việc tạo hình sếu đầu đỏ của nghệ nhân làng Sawai So, tỉnh Buriram còn là cách thể hiện tình yêu của người dân nơi đây dành cho sếu. Chính sếu đầu đỏ – loài chim hạc linh thiêng đã thu hút khách du lịch đến địa phương, mang lại việc làm, thu nhập cho người dân, đúng với phương châm “Người nuôi sếu, sếu nuôi người”.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, nghệ nhân, nông dân Thái Lan và lãnh đạo huyện Tam Nông, Vườn Quốc gia Tràm Chim, nghệ nhân huyện Tam Nông tại buổi trình diễn mô hình
Ngoài hướng dẫn nông dân tạo hình Sếu đầu đỏ, dịp này, các nghệ nhân và nông dân tỉnh Buriram (Thái Lan) còn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa hữu cơ, nông nghiệp sinh thái và du lịch sinh thái với nông dân huyện Tam Nông.
Tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Buriram có nhiều nét tương đồng về địa lý, kinh tế, hệ sinh thái; đặc biệt trong việc quản lý khu bảo tồn đất ngập nước và bảo tồn loài Sếu đầu đỏ.
Nguyệt Ánh