Huyện Lai Vung

Điểm sáng từ các Tổ Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp

Cập nhật ngày: 09/08/2023 13:56:10

ĐTO - Thời gian qua, các Tổ Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (DVKTNN) (gọi tắt là tổ) trên địa bàn huyện Lai Vung thực hiện tốt vai trò hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Qua đó giúp tạo cơ hội việc làm cho người dân khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...

Thế mạnh của huyện Lai Vung là phát triển nông nghiệp với nhiều vùng sản xuất lớn. Vào mùa vụ, huyện thường rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất. Trong khi đó, lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội và công an xuất ngũ (quân dự bị động viên) rời địa phương đi làm ăn xa khá nhiều nên việc gọi tập trung huấn luyện hàng năm thường khó khăn và bị động, số đảng viên trẻ trong lực lượng này do đi làm ăn xa nên khó khăn khi về sinh hoạt theo quy định. Từ thực tế này, Ban Thường vụ Huyện ủy Lai Vung thống nhất cho thí điểm mô hình Tổ DVKTNN ở xã Hòa Thành từ tháng 4/2022, đến tháng 6/2022 thì chính thức ra mắt. Thành phần của tổ gồm: lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội, công an xuất ngũ và các thành viên hội quán trên địa bàn. Lực lượng này được tập huấn để chuyên nghiệp hóa các hoạt động sản xuất, phục vụ chính cho nhu cầu sản xuất của người dân trên địa bàn, vừa khắc phục thiếu hụt lao động, vừa giúp lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội, công an xuất ngũ, đảng viên trẻ gắn bó hơn với quê hương.


Tổ Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp xã Tân Phước giúp nâng cao thu nhập cho thành viên 

Qua thời gian hoạt động, mỗi thành viên của tổ đều phát huy thế mạnh của mình như: người có kinh nghiệm về chuyên canh cây lúa, người có kiến thức về cây cảnh, nuôi trồng thủy sản... Song, điều quan trọng khi thành lập Tổ DVKTNN là Huyện ủy, UBND huyện hướng đến việc thông qua mô hình để đưa khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng cho Nhân dân. Do đó, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể không chỉ làm nhiệm vụ tập hợp, kết nối mà còn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề nghiệp cho các thành viên nâng cao kỹ thuật, kỹ năng, trở thành những “nông dân chuyên nghiệp”; tạo điều kiện để từng thành viên trong tổ tiếp cận các chủ trương, tiếp nhận ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ các giải pháp này, thành viên trong các tổ dịch vụ có thể đảm nhiệm hầu hết các loại hình canh tác nông nghiệp với chuyên môn cao.

Sau tổ đầu tiên, hàng loạt tổ dịch vụ đã ra đời ở các xã: Tân Thành, Hòa Long... Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập xong Tổ DVKTNN. Hoạt động của các tổ khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động, chất lượng công việc dần nâng lên.


Thành viên Tổ Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp xã Tân Dương luôn tích cực hoạt động để nâng cao hiệu quả

Được thành lập từ tháng 9/2022, Tổ DVKTNN xã Tân Phước có 28 thành viên. Thời gian qua, từ nhu cầu sử dụng lao động trong nông nghiệp nên các thành viên có việc làm ổn định với thu nhập ổn định, từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ông Nguyễn Huỳnh Quý - thành viên tổ cho biết: “Từ khi thành lập tổ đã tập trung được nguồn nhân lực, đây là lợi thế lớn để tổ triển khai nhiều hoạt động hướng đến nông dân. Chúng tôi xác định phải gắn chặt nhiệm vụ chuyên môn với làm dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện cho thành viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp...”.

Thời gian qua, Tổ DVKTNN xã Tân Dương đã trở thành “điểm tựa” vững chắc cho 24 thành viên trên địa bàn xã với công việc ổn định từ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ông Lê Văn Lẹ - Tổ trưởng cho biết: “Tổ có 24 thành viên, thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp như: sửa kiểng bon sai, vận chuyển hoa kiểng, chăm sóc cây trồng... mang lại thu nhập từ 350 ngàn - 500 ngàn đồng/ngày”.

Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Việc ra đời Tổ DVKTNN xã, thị trấn góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập cho thành viên. Đồng thời, các tổ còn góp phần tạo nguồn phát triển đảng viên cho địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ định hướng, tạo điều kiện, đề xuất hỗ trợ máy móc cho các tổ; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, canh tác nông nghiệp...”.

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn