Ông Mai Hữu Tâm - nông dân đam mê đọc và vận dụng kiến thức từ báo vào sản xuất
Cập nhật ngày: 18/07/2024 13:40:49
ĐTO - Là bạn đọc của tờ báo Khoa học phổ thông từ số báo ngày 1/2/1976 đến nay, đã góp phần giúp ông Mai Hữu Tâm (ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) có thêm nhiều kiến thức, nhất là vận dụng kiến thức để thay đổi cách canh tác nhằm giảm giá thành sản xuất, phát triển kinh tế gia đình...
Dù kệ sách báo đã nhuốm màu thời gian nhưng với ông Tâm những tờ báo cũ như là “kho báu” không gì thay thế được
Vận dụng những kiến thức từ báo vào sản xuất
Ông Tâm kể, từ nhỏ ông đã yêu thích khoa học, trồng cây ăn trái, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên khi học xong cấp 1 (năm 1975) ông phải nghỉ học phụ giúp gia đình. Nghỉ học sớm, nhưng ông luôn tìm tòi sách, báo để bổ sung những kiến thức khoa học mình yêu thích. Năm 1976, ông được người anh ruột đem về cho 1 tờ báo Khoa học phổ thông, đọc thấy hữu ích nên từ đó mỗi số báo ra, ông đều mua đọc. Từ tờ báo đầu tiên ông được đọc cho đến ngày 25/12/2020, tính ra cũng đã hàng ngàn tờ báo nhưng ông Tâm lưu giữ rất kỹ lưỡng, không mất một tờ nào. “Sách báo ông quý lắm, lâu lâu ông lấy ra phơi rồi đem vô tủ cất lại, từng tờ báo được ông giữ mới tinh, không mất trang nào”, bà Năm - vợ ông Tâm nói.
Ông Tâm xem lại số báo Khoa học phổ thông đầu tiên ông sở hữu (năm 1976)
Việc đọc sách báo thường xuyên không chỉ giúp ông Tâm nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn mở mang kiến thức, vận dụng vào thực tế sản xuất. Ông Tâm là một trong những người nông dân của vùng cồn Bạch Viên (xã An Nhơn) tiên phong thực hiện sạ hàng, sạ thưa trên cây lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Thời kỳ đất nước mới thống nhất, sản xuất chủ yếu lấy sản lượng là chính, ít ai nói đến chuyện giảm giá thành. Thế nhưng, thông qua các bài viết, phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học trên báo, tôi hiểu ra được sự cần thiết của việc giảm giá thành, giảm tác hại của phân, thuốc, tránh tác hại đến môi trường. Từ việc hiểu, đến hành động bằng việc áp dụng kiến thức đã đọc vào thực tế đồng lúa, từ đó việc sản xuất của tôi giảm chi phí từ 30 - 50%”- ông Tâm nói.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Tâm còn tận tình hướng dẫn những hộ xung quanh áp dụng các quy trình giảm giá thành trong sản xuất, tạo nên phong trào sản xuất giảm giá thành ở vùng cồn Bạch Viên. Đặc biệt, mấy năm gần đây khi địa phương thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Tâm là một trong những hộ tiên phong của cồn Bạch Viên tham gia vào mô hình Tổ hợp tác liên kết, tiến tới xây dựng người nông dân chuyên nghiệp. Hiện ông Tâm là Tổ trưởng của mô hình IMO quán của xã.
Ông Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn nhận xét, ông Tâm là người rất nhiệt tình với các phong trào phát triển kinh tế của địa phương, nổi bật là khi xã triển khai mô hình “Tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” (gọi tắt là mô hình IMO) gia đình ông tham gia nhiệt tình và là một trong những hộ thực hiện hiệu quả mô hình. Hiện nhà ông Tâm cũng được huyện chọn là điểm sinh hoạt IMO quán hoạt động vào thứ Sáu hàng tuần, nhằm giới thiệu đến bà con, du khách gần xa về mô hình IMO của xã.
Ông Tâm là một trong những nông dân tiên phong trong việc thực hiện mô hình IMO của xã An Nhơn, huyện Châu Thành
Những trăn trở cho bài toán tái cơ cấu nông nghiệp
Hiện ở độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông Tâm vẫn tâm niệm “có tri thức là có tất cả”. Vì vậy, dù không còn đi mua từng tờ báo về đọc, sưu tầm như trước nhưng ông Tâm vẫn tìm tòi, đọc báo trên điện thoại để nắm bắt những thay đổi của thời đại. Theo ông Tâm, thời kỳ nào cũng vậy “có tri thức là có tất cả”, nông dân phải cập nhật những kiến thức mới, phải sản xuất theo thị trường, chứ khư khư làm theo cách cũ thì chỉ thụt lùi chứ không thể tiến bộ. “Trong Tổ liên kết sản xuất nhãn Bạch Viên, chúng tôi hướng tới mục tiêu sản xuất sạch, an toàn, trong đó cùng liên kết sản xuất để hướng đến việc mua chung, bán chung, cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau tiến bộ. Bên cạnh đó, chúng tôi có nhóm Zalo kết nối, chia sẻ các kỹ thuật, mô hình hay để bà con trong tổ cùng tham khảo, thay đổi cách sản xuất. Từ đó, bà con trong tổ ai cũng dần tiến bộ cả về tri thức lẫn kinh tế”, ông Tâm chia sẻ.
Dùng chế phẩm sinh học ủ lục bình làm phân bón cho rau màu, giúp cây trồng phát triển xanh tốt
Dù đã có những đổi thay nhất định về cách nghĩ, hành động và đạt được những kết quả đáng trân trọng, nhưng ông Tâm vẫn còn nhiều trăn trở cho bài toán tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. “Tôi cũng như bao người nông dân khác đều thấy rằng, gần 10 năm tái cơ cấu nông nghiệp, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét nhưng để thật sự tái cơ cấu hiệu quả phải có sự vào cuộc quyết liệt của các bên tham gia. Chẳng hạn, đối với mô hình trồng nhãn của cồn Bạch Viên, hiện nông dân đã sẵn sàng cho việc làm ăn liên kết, bước tiếp theo cần sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp - Nhà nước - ngân hàng, cùng xây dựng thật sự hoàn chỉnh, có sự đồng lòng của các bên, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm OCOP, sản xuất đúng theo nhu cầu thị trường thì mới vực dậy được giá trị của nông sản nói chung, nhãn nói riêng”- ông Tâm nói.
Mỹ Nhân