Huyện Lấp Vò
Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và nâng cao giá trị
Cập nhật ngày: 22/08/2024 10:55:07
ĐTO - Thời gian qua, huyện Lấp Vò tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất. Điều này góp phần rất lớn vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đổi mới diện mạo vùng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Huyện Lấp Vò tập trung xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn nhằm nâng cao giá trị nông sản (Ảnh: Nhật Nam)
Nhiều kết quả khả quan
Từ năm 2021 đến nay, huyện Lấp Vò tập trung phát triển các ngành hàng có tiềm năng theo chuỗi giá trị và từng bước gắn với mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất an toàn. Trong đó, ngành hàng lúa gạo, tổng diện tích gieo trồng lúa duy trì trên 28.000ha/năm, sản lượng đạt trên 189.756,89 tấn. Diện tích liên kết trong sản xuất lúa hàng năm đều tăng 10% so với năm trước. Cơ cấu giống lúa có sự chuyển biến tích cực, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao tăng nhanh, chiếm 70,7%. Từ năm 2021 đến nay, huyện triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với diện tích 657ha. Qua triển khai thực hiện mô hình, góp phần nâng cao ý thức người dân trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào canh tác lúa.
Trên địa bàn huyện hình thành vùng màu tập trung ở các xã ven sông Tiền, đặc biệt là vùng sản xuất màu trọng điểm 126ha ở xã Mỹ An Hưng A. Hiện, toàn huyện có diện tích sản xuất màu hơn 3.820ha, gồm các loại phổ biến như: khoai môn, bắp non, dưa hấu, dưa leo, ớt, mè, ấu... Toàn huyện có 108ha khoai môn được chứng nhận VietGAP; có 9 mã vùng trồng cây màu với diện tích 218ha. Thời gian qua, huyện phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh triển khai các hạng mục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất hoa màu.
Đối với hoa kiểng, đến nay, tổng diện tích trồng của huyện khoảng 367ha, tăng 204ha so với cuối năm 2020 (năm 2020 là 143ha). Huyện hình thành vùng sản xuất hoa kiểng tập trung tại xã Tân Khánh Trung, Long Hưng A. Ngoài ra, các xã: Định Yên, Tân Mỹ, Long Hưng B diện tích trồng hoa kiểng cũng được phát triển, nhân rộng theo từng năm. Thời gian qua, huyện hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng trình diễn về hoa kiểng tại địa bàn xã Tân Khánh Trung, Long Hưng A (mô hình trồng hoa hồng, hoa lan, trồng hoa kiểng gắn với du lịch sinh thái)...
Ông Nguyễn Phú Nhuận - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hội An Đông (xã Hội An Đông) cho biết: “Để tránh tình trạng được mùa mất giá, đơn vị ưu tiên sản xuất chế biến nông sản theo hướng an toàn cho sản phẩm kiệu, khoai môn, ớt. Trong đó, tập trung đầu tư thiết bị máy móc sản xuất, chế biến nông sản. Qua thời gian phấn đấu, sản phẩm dưa kiệu của đơn vị đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu thị trường cho nông sản; tập trung hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn; tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm...”.
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, thời gian qua, để tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường; nâng cao trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân; bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Với hướng đi đó, phần lớn nông dân có góc nhìn mới và từng bước chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn trái, hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, thị trường tiêu thụ tốt...
Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò tập trung phát triển xây dựng mã số vùng trồng cho sản phẩm khoai môn nhằm tạo đầu ra ổn định
Định hướng phát triển ngành nông nghiệp bền vững
Theo UBND huyện Lấp Vò, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện quy định về quy hoạch, sử dụng đất lúa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo tín hiệu thị trường; xác định vùng an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường cho phát triển chăn nuôi, thủy sản. Huyện còn phát triển vùng sản xuất chuyên canh, luân canh phù hợp với từng ngành hàng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cây trồng và đáp ứng với thị trường.
Đồng thời, huyện tập trung đầu tư về hạ tầng thủy lợi cho vùng sản xuất chuyên canh để đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất (tưới, tiêu, cơ giới hóa) và vận chuyển sản phẩm hàng hóa khi liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Huy động đối tác công - tư để phát triển giao thông nông thôn, hệ thống điện phục vụ sản xuất - kinh doanh nông nghiệp. Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật về quy trình sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản về đầu tư thực hiện mô hình liên kết trên các loại nông sản như: lúa, bắp, khoai môn, cây ăn trái...
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò chia sẻ, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, phát huy ưu thế về đất đai, kinh nghiệm, kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời phát triển các ngành hàng nông sản chủ lực của huyện theo chuỗi giá trị, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Xác định vai trò chủ thể của doanh nghiệp, đơn vị kinh tế hợp tác và hộ nông dân là yếu tố hàng đầu trong công tác thực hiện; quan tâm đến công tác quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm việc phát triển sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò doanh nghiệp, hợp tác xã trong dẫn dắt phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Nhật Nam