Tăng cường quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu

Cập nhật ngày: 31/08/2023 16:12:01

ĐTO - Xác định việc cấp mã số vùng trồng (MSVT) cũng như thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thời gian qua, ngoài phát triển ngành hàng, tỉnh đẩy mạnh công tác khuyến khích, hỗ trợ, giám sát các tổ chức, cá nhân đăng ký MSVT, mã số cơ sở đóng gói nhằm tạo “hộ chiếu” cho nông sản vươn ra thế giới.


Toàn tỉnh có 293 mã số vùng trồng xoài, diện tích 8.181,94ha phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, công tác thiết lập và giám sát vùng trồng được tỉnh thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 1.023 MSVT với diện tích 80.879,46ha phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, có 510 vùng trồng cây ăn trái với 13.388,8ha, 434 vùng trồng lúa với 65.559,39ha, 79 vùng trồng cây rau màu với 1.931,28ha.

Công tác hướng dẫn, quản lý kỹ thuật canh tác an toàn, kiểm soát sinh vật gây hại tại vùng trồng theo quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật từng bước được cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện triển khai hàng năm đến nông dân vùng trồng áp dụng. Kết quả, năm 2022, giám sát 90 MSVT, tổng diện tích 2840,05ha xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Hàn Quốc; năm 2023 thực hiện giám sát 701 MSVT, diện tích 23.857,15ha đạt yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Malaysia, Nga,... Bên cạnh đó, thu hồi 12 MSVT, do vùng trồng chuyển đổi cây trồng không đủ diện tích 10ha theo quy định; tổ chức, cá nhân không trung thực trong việc quản lý và sử dụng MSVT.


Hiện nhãn được cấp 40 mã số vùng trồng, diện tích 1.108,05ha tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Ứng dụng số hóa trong quản lý MSVT được thực hiện theo 3 hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) MSVT gồm: CSDL MSVT của Cục Bảo vệ thực vật; CSDL MSVT của Cục Trồng trọt; CSDL MSVT của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam qua ứng dụng ACCOMPANY và hệ sinh thái nông nghiệp VDAPES.COM, cơ bản đã hoàn chỉnh hệ thống đăng ký, cấp và quản lý MSVT phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về cơ sở đóng gói, đến nay, toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp đăng ký mã số xuất khẩu, trong đó, đối với nông sản có nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc thuộc nhóm thực phẩm quy định theo Lệnh 248, trên địa bàn tỉnh hiện có sản phẩm ớt tươi của 3 doanh nghiệp đăng ký mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng đối với nông sản có nguồn gốc thực vật thuộc nhóm thực phẩm quy định theo Lệnh 249, trên địa bàn tỉnh hiện có các sản phẩm củ, quả tươi (khoai lang, sầu riêng, xoài, chuối, thanh long, mít) của 17 doanh nghiệp đăng ký mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu vào Trung Quốc, Úc.


Trên địa bàn tỉnh hiện có 46 vùng trồng sầu riêng, diện tích 1.134,65ha được cấp mã số tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, quá trình cấp, quản lý, giám sát MSVT và cơ sở đóng gói xuất khẩu tại Đồng Tháp vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, đối với MSVT, quy mô diện tích tối thiểu nhỏ lẻ (cây lâu năm 1ha, cây hàng năm 0,1ha) chưa phù hợp Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Các vùng sản xuất được cấp mã số này đa số bán cho các thương lái, nên thương lái chưa quan tâm đến mã vùng và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, CSDL quản lý MSVT và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chưa chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương và ngược lại; chưa có văn bản quy định về chế tài xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân mạo nhận vùng trồng, cơ sở đóng gói gây ảnh hưởng đến uy tín nông sản địa phương; thông tin 2 chiều (từ Trung ương và địa phương) để kiểm tra đối chiếu sản lượng các MSVT khi xuất khẩu để giám sát tính minh mạch nguồn gốc nông sản, từ đó tình trạng mạo danh MSVT vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng nông sản...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát MSVT và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, ngoài việc chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương, Đồng Tháp kiến nghị Trung ương cần tích hợp, đồng bộ 2 chiều CSDL cấp MSVT từ cấp tỉnh đến Trung ương cùng một CSDL Quốc gia (giữa Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật) nhằm thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả trong việc cấp và quản lý MSVT, cơ sở đóng gói; hoàn thiện cơ sở dữ liệu Quốc gia thông tin sản lượng sản phẩm xuất khẩu/MSVT được doanh nghiệp xuất khẩu cho địa phương nắm, đối chiếu và giám sát chặt chẽ (giữa sản lượng thu mua và sản lượng xuất khẩu) nhằm hạn chế mạo danh MSVT, tăng cường minh bạch thông tin sản lượng xuất khẩu theo quy định...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn