'Bầu Kiên và ông Hải liên quan hai vụ án khác nhau'
Cập nhật ngày: 27/08/2012 14:49:27
Theo Trung tướng Phan Văn Vĩnh, việc phạm tội của Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải liên quan tới hai vụ án khác nhau. Cơ quan điều tra đang tiếp tục nhận được nhiều đơn khiếu nại, tố cáo về vi phạm của 2 bị can này.
- Với cương vị là Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm; Trưởng ban chuyên án vụ bắt giữ “bầu” Kiên, ông cho biết một số thông tin về vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải?
- Vụ án trên là một việc làm bình thường của lực lượng cảnh sát kinh tế trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Vụ án đang trong quá trình điều tra, nội dung cụ thể thuộc phạm vi bí mật Nhà nước nên lúc này chưa thể cung cấp.
Tuy nhiên, trong phạm vi những vấn đề có thể cho phép, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản thông báo khẳng định rõ việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên là do vi phạm liên quan đến hoạt động của 3 doanh nghiệp do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội).
Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc phạm tội của Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải có liên quan ở hai vụ án khác nhau.
- Trong quá trình chỉ đạo điều tra hai vụ án trên, cá nhân Trung tướng và cơ quan điều tra đã gặp thuận lợi và khó khăn gì?
- Trong quá trình thu thập tài liệu để điều tra về 2 vụ án này, cơ quan điều tra đã thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và sự phối hợp chặt chẽ của 3 ngành Tư pháp Trung ương.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo lực lượng công an cần khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng. Khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật tất cả những người liên quan, bất cứ ai vi phạm pháp luật.
Trong 2 vụ án trên, chúng tôi đã và đang tiếp tục nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh vi phạm của bị can Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải.
Tuy nhiên, xung quanh vụ án này, đã xuất hiện nhiều dư luận trái chiều, trong đó có cả việc một số người xấu lợi dụng để gây tác động, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động bình thường của ngành Tài chính, Ngân hàng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã và đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hoạt động bình thường của hệ thống, nhất là hoạt động của Ngân hàng ACB và những ngân hàng mà Nguyễn Đức Kiên có cổ phần.
Riêng đối với 2 vụ án này, chúng tôi đề nghị cán bộ và nhân dân yên tâm và tin tưởng vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của Trung ương, của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an.
Với tư cách Trưởng ban chuyên án, tôi khẳng định không chịu bất kỳ sức ép nào trong điều tra vụ án. Sai phạm của Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải sẽ được điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, trên tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh.
- Xin ông cho biết kết quả của đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm vừa triển khai?
- Qua tháng đầu thực hiện đã thu được những kết quả rất tích cực, kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự 1,91% so với thời gian trước cao điểm, số vụ án kinh tế, tham nhũng phát hiện được nhiều hơn 1,33%, các vi phạm pháp luật về môi trường phát hiện tăng 4,42%, án ma túy phát hiện nhiều hơn...
Trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự, toàn lực lượng đã điều tra, khám phá trên 3.200 vụ phạm pháp hình sự; bắt, xử lý gần 6.200 người; triệt phá gần 290 băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; bắt hơn 900 đối tượng truy nã, trong đó có 189 là nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...
Các vụ trọng án xảy ra trong đợt cao điểm đều được tập trung lực lượng điều tra làm rõ trong thời gian sớm nhất. Có thể kể đến như: vụ gây nổ tại cổng nhà Giám đốc Công an Khánh Hòa; vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng tại Long Biên, Hà Nội; vụ vùi xác trong cát tại Hà Nam, Thanh Hóa...
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao luôn là vấn đề rất khó khăn, nan giải. Xin Tổng cục trưởng cho biết kết quả đấu tranh với loại tội phạm phi truyền thống này trong đợt cao điểm?
- Trong đợt cao điểm này, cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng là một lực lượng chủ công, với những trang thiết bị tương đối hiện đại cùng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ cơ bản được tập huấn tốt. Lực lượng này đang phát huy tác dụng tích cực trong phát hiện các vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điển hình như vụ Công ty MB24 với thủ đoạn như kinh doanh đa cấp, lôi kéo người dân trở thành thành viên, đóng tiền mua gian hàng điện tử... Trong khoảng thời gian một năm, công ty này đã có hơn 50 chi nhánh tại 32 tỉnh, thành phố và trên 120.000 gian hàng ảo trên mạng với tổng số tiền nộp vào hệ thống lên tới hơn 700 tỷ đồng. Đến ngày 10/8, Cơ quan CSĐT Công an 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Kạn, Hưng Yên, Đắk Lắk, Hà Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 15 bị can của công ty và các chi nhánh để điều tra...
Và gần đây nhất, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự phát hiện, triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến với các sòng bạc ở Campuchia như đã nêu ở trên.
- Còn trên lĩnh vực kinh tế, thưa ông?
- Thiệt hại do tội phạm kinh tế gây ra là rất lớn. Chỉ tính riêng vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo trong lĩnh vực Ngân hàng đã gây thiệt hại đến 4.600 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều vụ án lừa đảo khác gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng… Đây là những con số rất đau xót trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, đặc biệt số doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động ngày càng gia tăng….
Thực hiện đợt cao điểm, lực lượng Cảnh sát kinh tế cũng đã ra quân với nhiều kế hoạch, phương án được triển khai. Kết quả đã điều tra, khám phá 1.140 vụ án kinh tế, tham nhũng, thu hồi cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như vụ Cục Cảnh sát kinh tế khởi tố bị can đối với 3 người nguyên là giám đốc của 3 Công ty TNHH ở Hải Phòng và TP HCM về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 750 tỷ đồng và 530.000 USD của 15 tổ chức tín dụng; khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt gần 550 tỷ đồng xảy ra tại Tổng công ty Petec thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong việc mua bán xăng dầu với một số doanh nghiệp tư nhân.
Công an nhân dân