Đẩy mạnh chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội
Cập nhật ngày: 16/01/2024 05:36:24
ĐTO - Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (viết tắt là Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh) thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương, nhất là lực lượng Công an nắm chắc tình hình địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách. Đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện tốt các tiêu chí chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội, gắn với việc kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở.
Phường An Thạnh (TP Hồng Ngự) là 1 trong 12 xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội
Các địa phương trong tỉnh tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2023 được 146 điểm, có gần 9.700 người dự; 188 điểm “Diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” với hơn 11.400 người dự. Đặc biệt, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đến khóm, ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện giải quyết sớm, kịp thời, có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ở địa phương, đơn vị. Duy trì, nhân rộng các mô hình trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” như: “Sổ tay điện tử tuyên truyền pháp luật và phòng, chống tội phạm”, “Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo chung sức xây dựng nông thôn mới, thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn, an dân”, “Tổ tuần tra Nhân dân đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở”, “Tháo gỡ, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân”... tiếp tục hoạt động có hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội trên địa bàn.
Thông qua hoạt động các mô hình cảm hóa, giáo dục đối tượng, lực lượng Công an cơ sở làm nòng cốt vận động các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng. Đồng thời phối hợp tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự được 39.789 ca với 199.554 lượt cán bộ tham gia, qua đó phát hiện, giải tán 2.127 tụ điểm đánh bạc nhỏ lẻ; giáo dục răn đe 12.044 lượt đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật, tụ tập đêm khuya; nhắc nhở 4.315 trường hợp mua bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Ban Chỉ đạo 138/ĐP huyện, thành phố chỉ đạo lực lượng Công an cùng cấp thành lập các Tổ công tác hỗ trợ chuyển hóa đối với 12 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội năm 2023. Hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự xã, phường tích cực huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trong đó, thực hiện tốt các biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự tại các địa bàn được chuyển hóa. Lực lượng chức năng tập trung triển khai, thực hiện nhiều đợt cao điểm phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn cũng như thực hiện các phương án, kế hoạch đấu tranh với các loại tội phạm theo chuyên đề tập trung vào 12 địa bàn chuyển hóa. Qua đó, tình hình các loại tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế, đẩy lùi. Cụ thể, năm 2023, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 398 (giảm 15 vụ); triệt xóa 350 vụ tệ nạn xã hội (giảm 259 vụ) so với năm 2022; riêng hoạt động “tín dụng đen” được tập trung đấu tranh, kiểm soát chặt, chưa phát sinh phức tạp.
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh cho biết, trên cơ sở các tiêu chí xác định, lựa chọn địa bàn và đề nghị của Hội đồng thẩm định địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội tỉnh. Năm 2023, Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh đã chọn 12 địa bàn cấp xã cần tập trung chuyển hóa gồm: xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười), Phường 3 (TP Cao Lãnh), xã Tân Phước (huyện Tân Hồng), xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành), xã Thường Lạc (huyện Hồng Ngự), phường An Hòa (TP Sa Đéc), thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), xã Tân Mỹ (huyện Thanh Bình), xã Mỹ Long (huyện Cao Lãnh), xã Long Thắng (huyện Lai Vung), xã Định Yên (huyện Lấp Vò), phường An Thạnh (TP Hồng Ngự).
Từ kết quả thực hiện và đối chiếu với các tiêu chí xác định địa bàn chuyển hóa đạt 12/12 địa bàn (xã, phường) được phê duyệt chuyển hóa năm 2023 đều đạt các tiêu chí chung. Cụ thể: đảm bảo 100% tố giác, tin báo về tội phạm trên địa bàn được tiếp nhận, xử lý (đã tiếp nhận, xử lý 138/138 tin). Cùng với đó, tại 12/12 địa bàn đều củng cố, xây dựng các mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”, “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”, “Tổ tự quản phòng, chống buôn lậu, ma túy và xuất nhập cảnh trái phép”, “Câu lạc bộ người hoàn lương”, “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” hoạt động hiệu quả; 100% hộ dân tại địa bàn được phổ biến, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm bằng nhiều hình thức, góp phần kiềm chế, đẩy lùi các loại tội phạm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
HỒNG NGỰ