Trường hợp khiếu nại về việc hủy chứng nhận thương binh của ông Đặng Văn Em
Cần giải quyết thấu tình đạt lý hơn

Cập nhật ngày: 11/06/2012 07:40:17

Một người bị thương 4 lần, trong đó có 3 lần bị thương trong chiến đấu, 1 lần khi về phép, sau gần 30 năm được hưởng chế độ thương binh, đến một ngày lại bị hủy giấy chứng nhận bị thương và thu hồi các quyền lợi, chế độ thương binh, trong khi vụ việc vẫn còn những vấn đề cần được làm rõ.


Sở Lao động - TB&XH tổ chức họp tại xã Tân Hộ Cơ

Đó là trường hợp của ông Đặng Văn Em (trước đây ngụ ấp Công Tạo, xã Tân Hộ Cơ, nay là ấp Công Tạo, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng) được công nhận là thương binh loại 3/4 từ năm 1981. Vào ngày 16-11-2011, UBND huyện Tân Hồng ban hành Quyết định số 2951/QĐ-UBND.HC hủy giấy chứng nhận bị thương của ông Đặng Văn Em với lý do không đủ điều kiện để hưởng chế độ thương binh theo quy định do lúc bị thương ông Đặng Văn Em không còn tại ngũ. Đến ngày 29-11-2011, Sở Lao động - TB&XH đã có quyết định thu hồi và cắt trợ cấp chế độ thương binh của ông Đặng Văn Em, số tiền thu hồi hơn 108 triệu đồng.

Sau đó, ông Đặng Văn Em đã có đơn khiếu nại đến UBND huyện Tân Hồng. Ngày 19-4-2012, Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng có Quyết định số 348/QĐ-UBND.NĐ giải quyết bác đơn khiếu nại của ông Đặng Văn Em. Theo quyết định này, ông Em bị nổ trái dẫn đến cụt chân là do đi đặt trúm lươn phụ giúp gia đình, theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì ông Đặng Văn Em không thuộc diện được hưởng chế độ thương binh. Vì vậy, giữ nguyên Quyết định số 2951/QĐ-UBND.HC của UBND huyện Tân Hồng về việc hủy giấy chứng nhận thương binh của ông Đặng Văn Em. Không thống nhất với quyết định giải quyết trên, ông Đặng Văn Em tiếp tục khiếu nại đến cơ quan chức năng.


Ông Đặng Văn Em trình bày khiếu nại

Ông Em trình bày: Lần bị thương nổ trái dẫn đến cụt chân vào tháng 6-1979, ông vẫn còn đang tham gia Xã đội Tân Hộ Cơ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lúc đó ông xin phép Ban chỉ huy Xã đội, trực tiếp là ông Nguyễn Văn Xăm - Xã đội phó chấp thuận cho ông về phép. Trong thời gian về phép ông đi đặt trúm lươn thì bị nổ trái cụt chân. Đến năm 1981, khi làm hồ sơ thương binh do ông không biết chữ nên cán bộ xã đã làm hồ sơ cho ông. Kết quả giám định ông bị thương tật 53%, xếp hạng 3/4 và ông được hưởng chế độ thương binh từ năm 1981 đến nay.

Sau khi ông Em có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng, ngày 6-6-2012, Sở Lao động - TB&XH đã cùng Phòng Lao động - TB&XH huyện Tân Hồng, UBND xã Tân Hộ Cơ, ông Đặng Văn Em và những người có liên quan biết về vụ việc đã có buổi họp đối thoại tại xã Tân Hộ Cơ. Tại cuộc họp này, đa số những người có liên quan tham gia công tác cùng thời với ông Em đều xác nhận thực tế tình cảnh năm 1979 rất khó khăn về lương thực, không đủ ăn, vì vậy khi không có đánh trận thì du kích xã đội thay phiên nhau về phép (chỉ do chỉ huy Xã đội cho phép miệng) về nhà lao động kiếm cái ăn. Ông Đặng Văn Le - Xã đội phó lúc đó cũng xác nhận biết việc ông Em được về phép (do ông Nguyễn Văn Xăm - Xã đội phó trực tiếp quản lý ông Em hiện đã qua đời). Điều này cho thấy, trình bày của ông Em về lần bị thương nổ trái cụt chân ông vẫn còn trong quân ngũ là có cơ sở.

Bên cạnh đó, ngay trong Quyết định số 348/QĐ-UBND.NĐ ngày 19-4-2012 của UBND huyện Tân Hồng cũng xác định: Vào năm 1977, ông Đặng Văn Em thi hành nghĩa vụ quân sự được phân công vào Tiểu đội 1 - Trung đoàn 3 - Đại đội 3 - Tiểu đoàn 502 thuộc Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp. Khi tham gia chiến đấu vùng kinh lý (thuộc tỉnh Prayveng - Campuchia), ông Em bị thương cả 2 tay, nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y Cao Lãnh khoảng 30 ngày, khi lành bệnh ông tiếp tục trở lại đơn vị phục vụ, đến năm 1978 thì ông nghỉ phục vụ ở Tiểu đoàn 502. Thời gian ông Em trở về địa phương, Ban chỉ huy Quân sự xã Tân Hộ Cơ động viên ông vào phục vụ du kích xã. Trong trận phục kích đánh quân Pôn Pốt từ Gò Chùa qua Gò Bói, ông Em bị thương ở đầu và vai phải nằm điều trị tại Bệnh viện Hồng Ngự. Vào khoảng tháng 01-1979, được sự chỉ đạo của lãnh đạo, ông Em cùng 3 đồng đội khác mở đường ra Lăng Xăng thì bị nổ trái, ông Em bị thương và nằm điều trị tại Bệnh viện Hồng Ngự.

Như vậy, ông Em có 3 lần bị thương khi tham gia chiến đấu, ở góc độ nào đó ông vẫn là người có công. Vì vậy, trường hợp nếu theo quy định pháp luật lần bị thương dẫn đến cụt chân trong thời gian về phép của ông Em không được tính tỷ lệ thương tật để xác định hạng thương binh thì cần giám định lại tỷ lệ thương tật của các lần bị thương trước của ông Em để xác định ông có được hưởng chế độ thương binh hay không.

Thế nhưng tiếc rằng chưa xác định lại vấn đề trên, các cơ quan chức năng đã dựa vào việc xác định ông Em bị thương cụt chân do đi đặt trúm lươn và hủy chế độ thương binh của ông trong khi chưa làm rõ các khía cạnh vụ việc. Bản thân ông Em không hề biết chữ, việc pháp luật quy định thương tích nào để được công nhận là thương binh cũng như việc xác nhận, xét duyệt, công nhận ông Em là thương binh là của cả Hội đồng chính sách từ xã đến huyện, nay lại hủy bỏ, thu hồi các quyền lợi chế độ thương binh với lý do ông Em khai gian, liệu có quá nặng nề và lỗi chỉ ở bản thân ông Em.

Việc hủy bỏ, thu hồi quyền lợi, chế độ thương binh của 1 người là vấn đề rất quan trọng, liên quan không chỉ đến bản thân người đó mà còn đến cả gia đình và những người thân của họ. Mong rằng, cơ quan chức năng sẽ xem xét lại trường hợp khiếu nại của ông Đặng Văn Em để có cách giải quyết thấu tình đạt lý hơn.

Phòng BĐTL

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn