Chủ động các biện pháp phòng bệnh cúm, sởi
Cập nhật ngày: 21/02/2025 10:43:09

ĐTO - Từ cuối năm 2024 đến nay, tình hình dịch cúm tại Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhất là tại các tỉnh phía Bắc. Tại Đồng Tháp, trong tháng 1/2025, tình hình dịch cúm có dấu hiệu tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2024, bệnh sởi có nguy cơ gia tăng. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho người lớn, trẻ nhỏ trong gia đình.

Trẻ em tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, thời tiết trong mùa đông xuân với không khí lạnh, khô và hanh tạo điều kiện cho vi-rút bệnh cúm phát triển. Đối với người lớn tuổi, trẻ em, người có bệnh nền và hệ miễn dịch suy giảm sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh cao. Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài bệnh cúm, người lớn và trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu dễ dàng mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Trong tháng 1/2025, toàn tỉnh ghi nhận 492 ca mắc cúm, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (487 ca, tăng 5 trường hợp). Riêng đối với bệnh sởi, từ đầu năm 2025 đến ngày 12/2/2025, toàn tỉnh ghi nhận 491 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó lấy 14 mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm kết quả đều dương tính sởi. Nhóm trường hợp sốt phát ban nghi sởi từ 3 - 10 tuổi có số mắc cao nhất, chiếm 34,01% (167 trường hợp). Mặc dù tỉnh đã thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin mở rộng, tuy nhiên, theo ngành y tế, trong thời gian chờ đạt được miễn dịch cộng đồng, có thể số trường hợp sốt phát ban nghi sởi vẫn có khả năng ghi nhận ở mức cao trong quý I/2025. Theo Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, từ tháng 1/2025 đến ngày 17/2/2025, bệnh viện tiếp nhận và điều trị, nội trú 228 ca bệnh sởi.
Để phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh liên quan đến đường hô hấp, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp cùng ngành y tế truyền thông các biện pháp phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sở Y tế đề nghị Trung tâm KSBT tỉnh làm đầu mối theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, các vùng lân cận và trên cả nước; kịp thời tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng. Cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh và đảm bảo hậu cần, thuốc, vắc-xin, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu điều trị. Đối với UBND huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo y tế địa phương, đảm bảo nguồn kinh phí, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn...
Thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ cá nhân
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Xuân - Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm - ký sinh trùng, côn trùng (Trung tâm KSBT tỉnh), hiện nay, Trung tâm KSBT tỉnh khẩn trương triển khai các tài liệu tuyên truyền đến Trung tâm Y tế huyện, thành phố và các Trạm y tế trong tỉnh để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch sởi; đề nghị các địa phương phát huy vai trò của các Trạm y tế, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương trong công tác tuyên truyền về dịch bệnh sởi, các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đồng thời, Trung tâm KSBT tỉnh tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 10 tuổi, đảm bảo bao phủ tiêm chủng rộng rãi. Thiết lập hệ thống giám sát dịch tễ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các ổ dịch sởi trong cộng đồng. Tăng cường rà soát, vận động trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn, đúng lịch và đầy đủ để nâng cao hiệu quả phòng bệnh.
Chủ động phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh liên quan đến đường hô hấp, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Xuân khuyến cáo người dân cần tăng cường sức đề kháng bằng cách duy trì chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, kết hợp với hoạt động thể chất thường xuyên để nâng cao hệ miễn dịch. Thực hiện tốt các biện pháp phòng hộ cá nhân như: đeo khẩu trang tại cơ sở y tế, nơi công cộng, điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để hạn chế lây lan vi-rút. Đặc biệt là tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như: ho, sốt, khó thở; khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, trẻ nhỏ từ 6 - 8 tháng tuổi, người mắc bệnh mạn tính (bệnh phổi, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...) và người trên 65 tuổi. Tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi/rubella (đối với trẻ nhỏ, mũi đầu tiên khi 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi 18 tháng tuổi); những đối tượng chưa từng tiêm vắc-xin sởi trước đó nên tiêm bổ sung 1 mũi để đảm bảo miễn dịch phòng ngừa tốt bệnh sởi.
MỸ XUYÊN