Người dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
Cập nhật ngày: 02/09/2024 10:22:59
ĐTO - Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 18/8/2024, toàn tỉnh ghi nhận 976 ca mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD), giảm 1.076 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong tuần 33 (từ ngày 12 - 18/8/2024), một số địa phương có số ca mắc SXHD tăng gồm: TP Cao Lãnh (7 ca) và các huyện: Lấp Vò (5 ca), Châu Thành (5 ca), Cao Lãnh (2 ca). Hiện nay, thời tiết nắng, thỉnh thoảng có những cơn mưa rải rác làm cho các vật dụng phế thải xung quanh nhà như: lu, khạp, thau bể, vỏ xe cũ... dễ bị ứ đọng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng phát triển, gây bệnh SXHD. Do đó, người dân nên chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh SXHD, góp phần bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình.
Cán bộ Trạm y tế Phường 2, TP Cao Lãnh và cộng tác viên y tế tuyên truyền cách phòng bệnh sốt xuất huyết cho người dân trên địa bàn Khóm 3
Tại TP Cao Lãnh, tình hình bệnh SXHD từ đầu năm 2024 đến nay tăng. Cộng dồn đến ngày 18/8/2024, toàn thành phố ghi nhận 238 ca, tăng 108 ca so cùng kỳ năm 2023; phát hiện và xử lý 123/123 ổ dịch. Các địa phương có số ca bệnh tăng gồm: Phường 2, Phường 4, Phường 6, phường Hòa Thuận và các xã: Mỹ Tân, Hòa An, Tịnh Thới, Mỹ Trà. Phường 2 là một trong những địa phương của TP Cao Lãnh có số ca mắc SXHD tăng trong khoảng vài tuần gần đây. Nhiều hộ gia đình mặc dù có hiểu biết về bệnh SXHD, tuy nhiên vẫn mắc bệnh. Chị Lê Thị Hồng (SN 1986) ngụ Khóm 3, Phường 2, TP Cao Lãnh có 2 con trai bị bệnh SXHD phải nhập viện điều trị. Chị Lê Thị Hồng cho biết: “Cách đây 2 tuần, con trai lớn của tôi bị sốt, sau đó bé trai nhỏ 10 tuổi cũng bị sốt, mệt mỏi nên tôi đưa 2 con đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp nhập viện điều trị. Qua được bác sĩ thăm khám, điều trị, tôi mới biết 2 bé bị bệnh SXHD”.
Y sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên - Phó trưởng Trạm y tế Phường 2, TP Cao Lãnh, cho biết: “Khoảng vài tuần gần đây, số ca mắc SXHD trên địa bàn phường tăng. Từ đầu năm 2024 đến ngày 18/8/2024, Phường 2 ghi nhận 9 ca mắc SXHD, không có ca nặng và tử vong. Đặc thù của địa bàn Phường 2 là khu vực đô thị, nhiều nhà cao tầng nên ít thoáng gió. Người dân đa số đi làm nên có một số trường hợp người dân quên đổ các vật dụng chứa nước xung quanh nhà. Từ đó, tạo điều kiện cho muỗi có nơi đẻ trứng và nở thành muỗi gây bệnh SXHD”.
Bác sĩ chuyên khoa I Dương Hưng - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh), cho biết: “Trước tình hình bệnh SXHD tăng, Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh chỉ đạo Trạm y tế các xã, phường phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội xã, phường thường xuyên tuyên truyền cho người dân cách phòng bệnh, trong đó chú ý tuyên truyền tại địa bàn có nguy cơ cao. Đối với khu vực có ca bệnh SXHD, tổ chức phun xịt hóa chất diệt muỗi; tư vấn, hướng dẫn để người dân nâng cao ý thức thực hiện vệ sinh nhà cửa. Một số Trạm y tế xã, phường nuôi cá lia thia tặng cho người dân thả vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng. Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh đã triển khai 3 chiến dịch diệt lăng quăng tại các nơi có số ca mắc tăng. Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế TP Cao Lãnh tập trung giám sát địa bàn có các ca mắc SXHD và địa bàn có nguy cơ cao, xử lý sớm các ổ dịch SXHD, kết hợp triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại những xã, phường có số ca mắc SXHD còn cao như: xã Hòa An, xã Mỹ Tân, Phường 6, Phường 4. Đồng thời theo dõi sát biểu đồ dịch tể, dự báo sớm tình hình dịch bệnh SXHD để kiểm soát tốt bệnh SXHD trên địa bàn”.
Ngoài ra, tại các huyện, thành phố trong tỉnh đang tăng cường truyền thông trong cộng đồng phòng bệnh SXHD. Đối với cấp tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử cán bộ giám sát mật độ côn trùng tại khu vực thành thị và địa bàn nông thôn; tổ chức 2 chiến dịch diệt lăng quăng tại TP Cao Lãnh và các huyện: Tam Nông, Tân Hồng, Lấp Vò với hơn 3.200 lượt người tham gia. Trong các chiến dịch diệt lăng quăng, cán bộ ngành y tế cấp huyện, xã, thị trấn, nhân viên y tế khóm, ấp và các tổ chức chính trị - xã hội xã, phường, thị trấn, Ban Nhân dân, lực lượng dân phòng khóm, ấp đến khảo sát mật độ lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước tại hộ gia đình, tư vấn vãng gia và phát tờ rơi tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh SXHD. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các địa phương xử lý 519 ổ dịch SXHD.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua công tác giám sát mật độ côn trùng, tình hình bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh được kiểm soát ổn định. Tuy nhiên, vẫn có một số địa phương có ca mắc SXHD tăng. Không chủ quan đối với dịch bệnh SXHD, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục làm tốt công tác giám sát mật độ côn trùng, xử lý kịp thời các ổ dịch, tránh dịch bệnh SXHD có điều kiện lan rộng.
Để phòng bệnh SXHD, bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: hàng tuần duy trì vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, đổ bỏ các dụng cụ, vật dụng chứa nước mưa xung quanh nhà; trong nhà cần sắp xếp đồ gọn gàng, ngăn nắp để muỗi không có nơi trú ẩn; thả cá vào các dụng cụ chứa nước trong gia đình để diệt bọ gậy; ngủ mùng kể cả ban ngày và mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe cho người thân trong gia đình. Khi có các dấu hiệu nghi bị SXHD như: sốt tái đi tái lại nhiều lần, mệt mỏi nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị, tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng...”.
MỸ XUYÊN