Biển đảo phải là “thành viên” của thương hiệu quốc gia

Cập nhật ngày: 13/06/2013 09:53:00

Tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển có mối quan hệ mật thiết với phát triển thương hiệu biển.

Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013 với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia” được tổ chức ngày 12/6.

Đây là diễn đàn tạo cơ hội cho các trao đổi chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn giữa các nhà làm chính sách, chuyên gia và chính quyền địa phương về xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền.


Các diễn giả tham gia thảo luận về chủ đề "Thương hiệu biển Việt Nam". Ảnh:TH

Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013, buổi tọa đàm "Thương hiệu biển Việt Nam" nhằm làm rõ khái niệm và tiềm năng thương hiệu biển; việc xây dựng hình ảnh quốc gia và tiếp thị cho kinh tế biển; thương hiệu biển gắn với tiếp thị địa phương.

Khai thác thế mạnh biển, đảo

Ông Phạm Quang Mỵ, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết thương hiệu biển có mối quan hệ mật thiết với phát triển kinh tế biển và do đó phải được nhìn nhận là một “thành viên” trong "gia đình thương hiệu quốc gia".

Nhìn từ góc độ phát triển kinh tế biển, thương hiệu biển chính là sự hòa quyện giữa con người và các sản vật, sản phẩm biển, như hình ảnh các vùng ven biển, từng hòn đảo, các khu du lịch, sản phẩm ngành hàng, sản phẩm của các doanh nghiệp.

Việt Nam có trên 3.260 km bờ biển, 28 tỉnh, thành phố có biển; vùng biển Việt Nam rộng hơn 1 triệu km2 với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam là rất lớn.

Ông Nguyên Đăng Đạo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho hay trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP cả nước; phát triển thành công, có bước đột phá về kinh tế biển và ven biển. Theo các chuyên gia, muốn xây dựng được thương hiệu biển phải hội đủ ba yếu tố: kinh tế biển, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước đủ mạnh.

Chia sẻ về hiệu quả của công tác khuếch trương, quảng bá thương hiệu biển, ông Nguyễn Văn Cấn, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Hải Phòng cho biết kinh tế biển hiện đóng góp 55% GDP của toàn thành phố. Riêng về du lịch, hai địa danh Đồ Sơn và Cát Bà đã tạo được dấu ấn đối với du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bãi biển thơ mộng kết hợp với rừng nguyên sinh.

Để làm được như vậy, TP Hải Phòng đã đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, chú trọng đến yếu tố con người để phát huy thế mạnh của ngành kinh tế biển mà vẫn đảm bảo yếu tố bền vững, môi trường không bị hủy hoại.

Về định hướng xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu biển, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết, trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục triển khai chương trình truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia, trong đó có thương hiệu biển. Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ phối hợp với các địa phương, cơ quan đại diện ở nước ngoài quảng bá sâu rộng thương hiệu vùng miền, thường hiệu biển, thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương, vùng miền nâng cao kỹ năng làm về thương hiệu.

Gắn với sản phẩm và con người

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước gắn với sự phát triển của địa phương, chủ đề của Diễn đàn đã đi đúng hướng khi đặt ra những vấn đề nóng, đang được cộng đồng và doanh nghiệp quan tâm.

Diễn đàn tạo cơ hội để các đại biểu trao đổi cả về chuyên môn, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, qua đó rút ra những bài học và quan trọng hơn là định hướng việc xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền địa phương trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Đại học Thương mại nói: Thương hiệu vùng miền có thể hiểu là cách tiếp cận mang tính tổng hợp cao, là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả yếu tố thương hiệu tập thể của các đặc sản vùng miền đó, yếu tố thương hiệu một địa phương nào đó và thường gắn với các địa danh, chỉ dẫn địa lý. Như vậy, có thể hiểu thương hiệu vùng miền là hình ảnh đại diện, hình ảnh đặc trưng tổng hợp nhiều yếu tố gắn với sản phẩm, chính sách, đặc trưng du lịch, con người vùng miền đó.

Liên quan đến việc huy động kinh phí cho các địa phương, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu vùng miền, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh phí đầu tư cho chương trình phát triển thương hiệu vùng miền chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Việc xây dựng thương hiệu vùng miền thực chất là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn. Bên cạnh nguồn kinh phí của Chính phủ, các địa phương, các ngành cần có vốn đối ứng hoặc kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, ông Hải nói.

Khái niệm thương hiệu vùng miền và tiếp thị hình ảnh địa phương thông qua các sản phẩm và dịch vụ đặc thù mang chỉ dẫn địa lý là một chủ đề mới mẻ, với nhiều kinh nghiệm thực tế đa dạng và sinh động tại các địa phương. Vì vậy, theo ông Đỗ Thắng Hải, cách tiếp cận chủ đề này cần được thống nhất trong nhận thức và nhất quán trong quá trình triển khai, cả ở cấp độ quốc gia và địa phương, để qua đó huy động được sức mạnh chung từ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp tại các địa phương.

Bên cạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền để phát triển kinh tế, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là chúng ta phải có giải pháp bảo vệ những thương hiệu sản phẩm địa phương ở trong nước và trên thị trường quốc tế, qua đó giữ gìn những tài sản vô hình mà các địa phương đã và đang nỗ lực xây dựng, đồng thời bảo vệ hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Theo Chinhphu.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn