Tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL: Bán nhiều, mua ít
Cập nhật ngày: 11/06/2013 06:13:51
Từ đầu tháng 6-2013 đến nay, vấn đề tiêu thụ lúa hè thu ở ĐBSCL nóng lên từng ngày khi nông dân đã thu hoạch hàng ngàn ha lúa nhưng giá đang giảm mạnh và khó bán. Trước thực trạng lúa rớt giá, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) vụ hè thu. Song, nhiều người vẫn lo âu trong bối cảnh xuất khẩu gạo khó khăn, còn nông dân lo mất vốn…
Sức mua vẫn chậm…
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: VPCT
Ông Phạm Văn Quang, nông dân xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ), cho biết: “Hôm 4-6, nghe tin Chính phủ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu làm nông dân mừng hết lớn, bởi ai cũng hy vọng giá lúa được cải thiện và đầu ra sẽ thông thoáng. Nếu như cuối tháng 5-2013, giá lúa tươi loại thường chỉ 3.500 đồng/kg, nay nhích lên được 3.700 đồng/kg; lúa tươi hạt dài cũng được 4.100- 4.200 đồng/kg… Song, thương lái mua lúa rất ít, trong khi người bán rất nhiều”.
Theo ông Nguyễn Văn Đời, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), giá lúa hiện nay đã thấp hơn chi phí giá thành sản xuất khoảng 500 đồng/kg, tính ra nông dân thua trắng.
Dọc các huyện Cai Lậy (Tiền Giang); Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình (Đồng Tháp); Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ); Châu Thành A, Vị Thủy (Hậu Giang)… lúa chín vàng, vừa thu hoạch xong rất nhiều, chất đầy 2 bên bờ kênh; nông dân phải “cắm trại” để giữ lúa chờ thương lái tới mua.
Ông Trương Văn Hạnh, Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Mỹ Thành, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), bức xúc: “Nông dân vất vả 3 tháng mới làm ra hạt lúa, vậy mà khi thu hoạch xong giá sụt, lỗ vốn, không bán được sản phẩm hỏi ai chẳng đau lòng. Ở nông thôn mọi việc chi tiêu đều trông vào lúa nhưng càng làm càng lỗ khiến tình hình đã khó lại khó thêm. Nguyện vọng của nông dân là làm sao sống được từ hạt lúa của mình làm ra”.
Tính lại cây lúa
Các nhà chuyên môn cho rằng, với việc sản xuất 3 vụ lúa/năm, gần như nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa quanh năm. Một thời, Việt Nam từng tự hào là nguồn cung cấp “gạo tươi” lớn nhất thế giới, khi vài tháng lại cho ra một mẻ gạo mới. Nay sự tự hào đã trở nên ưu tư với mẻ gạo từ vụ hè thu. Dẫu biết rằng, đầu ra hạt gạo đang đứng trước khó khăn khi thị trường xuất khẩu gặp trở ngại, từ đó việc đảm bảo mức lời tối thiểu 30% cho nông dân rất khó.
Bộ NN-PTNT cho biết, sản lượng lúa năm 2013 khoảng 43,49 triệu tấn. Trừ số tiêu thụ nội địa, dự kiến lượng gạo hàng hóa còn khoảng 8 triệu tấn; trong đó, từ nay đến cuối năm phải tiêu thụ hơn 3,57 triệu tấn. Cách đây vài năm, chuyện lo đầu ra cho hơn 3,5 triệu tấn gạo trong khung thời gian 6 tháng không phải chuyện lớn. Nhưng bối cảnh kho gạo của thế giới đang phình ra ở Ấn Độ, Thái Lan và ngày càng có nhiều đối thủ xuất khẩu gạo trên thế giới thì việc đẩy mạnh tiêu thụ gạo lúc này là rất khó. Song, có lẽ đây cũng là “điểm rơi” thích hợp để nhìn lại vấn đề sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL. Câu hỏi đặt ra lâu nay “ĐBSCL sản xuất lúa vì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực hay xuất khẩu? Và 2 mục tiêu này đâu là số 1”.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), lợi nhuận của chuỗi sản xuất, mua bán lúa gạo chỉ đạt 1.288 đồng/kg, khoảng 14% giá xuất khẩu, nông dân trồng lúa chỉ hưởng lợi khoảng 500 đồng/kg. Các phân khúc lợi nhuận được hưởng lợi nhiều nhất trên số lượng xuất khẩu gạo là người vận chuyển và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo dạng lớn. WB tính toán, khoảng 300.000 hộ trồng lúa ở ĐBSCL có quy mô lớn (2,5 ha/hộ), chiếm 20%, lợi nhuận khoảng 14,4 triệu đồng/năm/hộ. Trong khi 80% hộ trồng lúa còn lại chỉ canh tác 0,5 ha/hộ, lợi nhuận khoảng 200.000 đồng/người/tháng.
Trước áp lực tiêu thụ lúa hàng hóa chồng chất khó khăn và giá lúa liên tục giảm, Bộ NN-PTNT đã hạ kế hoạch sản xuất lúa thu đông (lúa vụ 3) tới đây, từ 800.000ha còn 700.000ha. VFA cũng thừa nhận, xuất khẩu gạo ngày càng mất thế cạnh tranh - giá bán thấp, các địa phương nên tính toán giảm trồng lúa (nhất là vụ hè thu và thu đông) để chuyển sang trồng màu như bắp lai, đậu nành… là những sản phẩm đang thiếu. Song cái khó hiện nay nằm ở chỗ “đất sản xuất lúa là vấn đề nhạy cảm” nên các địa phương chưa dám “xé rào”. Phải chăng đây cũng là lúc Chính phủ cần có quyết sách thích hợp, “bật đèn xanh” cho các địa phương luân chuyển 1 vụ lúa sang trồng màu để giảm bớt những căng thẳng phải tiêu thụ lúa hàng hóa mỗi khi vụ thu hoạch rộ
Theo SGGPO