Bộ trưởng Tài chính nói về quản lý giá mặt hàng thiết yếu
Cập nhật ngày: 13/01/2014 05:37:41
Trong chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời" ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề cập nhiều vấn đề liên quan tới minh bạch giá xăng dầu, vấn đề chống chuyển giá.
Trước hết về vấn đề thu ngân sách, một số chuyên gia kinh tế và người dân đã nêu thắc mắc về thực hiện kế hoạch thu ngân sách năm 2013 với nội dung "con số thống kê tình hình thu ngân sách trong 6 tháng, 9 tháng cho thấy tình trạng hụt thu rất lớn. Tính tới tháng 9/2013, con số thống kê do Bộ Tài chính công bố tình trạng hụt thu ngân sách lên tới 25.000 tỷ đồng, chỉ đạt 66% kế hoạch. Lúc đó đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, 2013 có thể là năm đầu tiên thu ngân sách không đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên đến ngày cuối cùng của năm, Bộ công bố hoàn thành chỉ tiêu thu chi trong cả năm. Liệu đây có phải là một thủ thuật xào xáo các con số? Tại sao Bộ có thể đạt được thành công ngoạn mục trong thời gian ngắn như vậy"?
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Không có chuyện “làm xiếc” số liệu
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định không có chuyện “xào xáo”, "làm xiếc" các con số. Đối chiếu số liệu của các ngành Thuế, Tài chính, Kho bạc, kết quả thu ngân sách năm 2013 đạt 100,4% so với dự toán Quốc hội giao.
Theo Bộ trưởng, năm 2013 là năm kinh tế thế giới khó khăn, diễn biến phức tạp và tình hình kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm cũng vậy, chỉ ấm lên trong quý III, quý IV. Tình hình thu ngân sách cũng trong tình trạng đó. 6 tháng đầu năm chỉ đạt 43% dự toán mà nếu theo yêu cầu bình thường thì 9 tháng phải đạt 75%.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã chủ động làm việc với 63 địa phương để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch thu ngân sách trong năm. Sau đó, Bộ báo cáo với Chính phủ, đề xuất với Quốc hội các giải pháp có tính đột phá để bảo đảm dự toán ngân sách 2013.
Cụ thể là, đã kiến nghị với Quốc hội ban hành một số chính sách mới. Thứ nhất, tiến hành thu cổ tức được chia năm 2013 của các doanh nghiệp, công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước mà các bộ, ngành, địa phương làm chủ sở hữu. Thu lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sau khi thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và sau khi phân chia các quỹ của doanh nghiệp. Thứ hai là thu 75% tiền lãi nước chủ nhà được chia từ liên doanh Vietsopetro.
Bên cạnh đó, Bộ tập trung phối hợp toàn diện với các cấp, ngành, đặc biệt cấp ủy các địa phương. Theo đó, 63/63 địa phương đều có chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2013.
Đồng thời, toàn ngành Tài chính cũng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống thất thu. Đẩy nhanh việc xử lý giảm nợ đọng thuế, chấn chỉnh công tác hoàn thuế GTGT. Qua đó, đã kiểm tra 60.273 doanh nghiệp, xử lý thu về ngân sách Nhà nước 13.186 tỷ đồng. Về thu hồi nợ, Bộ đã thu được 25.482 tỷ đồng đạt 52% tổng số nợ.
Tính đến tháng 12/2013, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra 340 doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Qua đó đã tiến hành thu hồi, truy thu 238 tỷ đồng; chuyển 67 bộ hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã tiến hành khởi tố 17 vụ, bắt giữ 22 đối tượng vi phạm,… Qua đó đã hạn chế được tiêu cực trong hoàn thuế và số tiền hoàn thuế đã giảm đi rõ rệt.
Cụ thể, tại Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm, bình quân hoàn thuế GTGT 298 tỷ đồng/1 tháng. 6 tháng cuối năm, bình quân hoàn thuế GTGT 239 tỷ đồng/1 tháng. Tại các tỉnh Tây Nam Bộ 6 tháng đầu năm, bình quân hoàn thuế GTGT 800 tỷ đồng/1 tháng. 6 tháng cuối năm, bình quân hoàn thuế GTGT 692 tỷ đồng/1 tháng.
Cần phối hợp chống chuyển giá
Về vấn đề doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế trong năm 2013, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là hiện tượng không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở các nước khác. Vấn đề là chúng ta tiếp cận và quản lý cho tốt để vừa thu hút được đầu tư nước ngoài, vừa bảo đảm sự công bằng, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhận thức được vấn đề, Bộ Tài chính đã sớm xây dựng khung khổ pháp lý về công tác quản lý thuế, ngăn chặn hoạt động chuyển giá. Bộ đã ban hành Quyết định số 1250 (năm 2012) phê duyệt chương trình kiểm soát hoạt động chống chuyển giá.
Cơ quan Thuế đã kiểm tra, phát hiện đưa vào quản lý 3.188 doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin; hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chống chuyển giá cũng được từng bước xây dựng, phục vụ công tác thanh, kiểm tra. Theo đó, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thua lỗ đã giảm rõ rệt.
Bộ Tài chính cho rằng việc chuyển giá có thể xảy ra ở nhiều giai đoạn. Ngay từ giai đoạn đầu tư sau cấp phép, việc kê khai giá cả, giá trị máy móc, trang thiết bị đưa vào đầu tư tại Việt Nam cũng có thể xảy ra chuyển giá (giá rẻ kê giá cao). Rồi vấn đề chuyển giao công nghệ, bản quyền, thương hiệu, nguyên, vật liệu đầu vào… đều có thể xảy ra chuyển giá. Giai đoạn tiêu thụ sản phẩm cũng vậy (làm ra giá cao, bán giá thấp trong nội bộ).
Như vậy, ngoài trách nhiệm của ngành Tài chính, trong đó các cơ quan Thuế, Hải quan thì các ngành các cấp như Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ cũng phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đầu vào, đầu ra của đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp. Nếu làm được như thế mới có thể chống chuyển giá, qua đó bảo đảm công bằng, minh bạch.
Minh bạch hơn nữa giá xăng, dầu
Người dân than phiền về những khó khăn họ gặp phải trong năm 2013 với vài cú “sốc” về giá xăng, dầu (hồi đầu năm tăng tới 1.500 đồng/1ít), giá gas (đầu tháng 12 tăng 1 lần tới 20%) và họ muốn biết Bộ Tài chính có giải pháp gì để các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas giữ được ổn định?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định đây là vấn đề được Bộ rất quan tâm. Trong điều hành phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu chung trong nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Điều hành giá phải theo đúng pháp luật về giá; điều hành theo định hướng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; bảo đảm công khai, minh bạch; tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, từng bước xóa bỏ việc bù chéo trong điều hành giá cả trong nền kinh tế.
Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội các giải pháp hỗ trợ cho người nghèo cũng phải được bảo đảm. “Với tinh thần như thế, chúng tôi nghĩ rằng kinh tế vĩ mô của chúng ta càng ngày càng ổn định. Năm 2013 chúng ta giữ được ổn định, theo nhiều chuyên gia năm 2014 sẽ tốt hơn, ổn định hơn, trên cơ sở đó điều hành giá cả 2014 và giá cả thị trường sẽ ổn định hơn".
Trả lời các câu hỏi "lấy cơ sở nào để tính giá xăng dầu? Tại sao không công khai giá và công khai phương án tính giá để người dân và các chuyên gia kinh tế đồng thuận mỗi khi liên Bộ cho phép điều chỉnh giá xăng, dầu", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua, Bộ đã công khai việc hình thành, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu của từng doanh nghiệp trong từng quý. Đây là một bước đã tiến bộ.
Với tinh thần đó, năm 2014, Bộ sẽ tiếp tục công khai minh bạch hơn nữa trong vấn đề điều hành giá xăng dầu. Đó là, công bố công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới từng ngày, từng chủng loại xăng dầu trong bình quân 30 ngày để làm căn cứ tính giá xăng dầu trong nước.
Bình Minh (Chinhphu.vn)