Cải cách hành chính: Nhiệm vụ chính trị thường xuyên

Cập nhật ngày: 27/07/2013 02:51:39

Cải cách hành chính nói chung và cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng là trách nhiệm và là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi bộ, ngành, địa phương.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức, sáng 26/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức, sáng 26/7.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng công tác cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, còn mang tính hình thức; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến công tác này, chưa coi đó là nhiệm vụ thường chính trị xuyên; nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến cải cách chế độ công chức, công vụ...

Cần quyết tâm chính trị cao trong cải cách hành chính. Việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nói chung và cải cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng là trách nhiệm và là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới đối với công tác này.

Về cải cách chế độ công chức, công vụ, cần xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức; tập trung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, xây dựng hệ thống chức danh nghề nghiệp của viên chức theo Luật Viên chức.

Hoạt động ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý công chức, viên chức cần được đẩy mạnh; nhân rộng việc ứng dụng tin học vào thi tuyển công chức trong phạm vi cả nước nhằm đảm bảo tối đa tính công khai, minh bạch, công bằng, chất lượng, tránh tiêu cực; sớm xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý công chức, viên chức.

Các cơ quan hành chính tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, tuyển chọn những người đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, đáp ứng các yêu cầu công việc được giao; thực hiện thí điểm chế độ công chức hợp đồng.

Đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ

Phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng cần được nghiên cứu đổi mới bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả; đặc biệt phải tránh tình trạng "sống lâu lên lão làng”.


Tại Hội nghị, có hơn 10 báo cáo tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương về những vấn đề lớn liên quan đến đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công chức, công vụ.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trách nhiệm thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác cải cách hành chính, công tác phòng chống tham phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần được xác định rõ; nâng cao trách nhiệm và kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công chức, công vụ; xử lý nghiêm các trường vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, vi phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ phải đi liền với cải cách hành chính.

Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp phải chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành cải cách thủ tục hành chính; xem cải cách hành chính là cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Nội vụ khẩn trương triển khai, hoàn thành kế hoạch xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương; triển khai thực hiện phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Theo Chinhphu.vn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn