Cần giải pháp căn cơ cho đầu ra nông sản ĐBSCL
Cập nhật ngày: 19/07/2013 06:26:50
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thời gian tới là cùng với các bộ, ngành, địa phương tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) một cách bền vững.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ngày 18/7. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Bàn về hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ngày 18/7, các đại biểu đã chỉ ra nhiều nội dung bất cập cần khắc phục nhằm phát huy tốt hơn vai trò điều phối liên kết vùng ĐBSCL của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Nêu ý kiến cụ thể về lĩnh vực lúa, gạo, ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng lãnh đạo các địa phương sản xuất lớn nên tham gia Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đồng thời trở thành cầu nối thông tin hai chiều giữa người dân và doanh nghiệp. Đây là giải pháp nhằm khắc phục tình trạng người dân, địa phương hoàn toàn bị động, không có thông tin về thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nêu đề xuất cần đánh giá chính xác chủ trương thu mua lúa-gạo tạm trữ, và hoạt động này chỉ thực sự có hiệu quả nếu có chiến lược dự trữ chủ động, dài hạn, có các doanh nghiệp lớn tham gia.
Cụ thể, doanh nghiệp chủ yếu xây dựng kho ở gần cảng, gần sông, ở các trung tâm vùng, nên việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ theo doanh nghiệp không phản ánh đúng năng lực sản xuất lúa của các địa phương. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đóng tại Cần Thơ, TPHCM… nhưng thực tế các tỉnh như Đồng Tháp, Kiên Giang mới là những địa phương sản xuất lúa gạo lớn nhất.
Do đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là những công trình mang tính kết nối giữa các địa phương; kho chứa, hạ tầng lưới điện…
Thực tế hiện nay, Kiên Giang là một trong vài địa phương sản xuất lúa, thủy sản lớn nhất cả nước nhưng hiện tại đường giao thông nối với Quốc lộ 1, nối với các tỉnh, thành phố trong vùng như Cần Thơ, Hậu Giang gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng tình với nhiều ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng vấn đề không mới, đã có rất nhiều giải pháp được triển khai thực hiện, nhưng vẫn thiếu những giải pháp một cách căn cơ, triệt để. Phải căn cứ vào yêu cầu của thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, xem xét lại quy hoạch.
Theo Phó Thủ tướng, sản xuất phải gắn với chế biến và tiêu thụ, nếu ba nội dung này tách rời thì nông dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại mối liên kết này trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản ở ĐBSCL còn rất lỏng lẻo.
Trong khi đó, hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều nội dung, nhiệm vụ còn chậm, dẫn đến việc chính sách cụ thể chậm đi vào cuộc sống; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa các thành viên Ban Chỉ đạo còn chưa thực sự chủ động.
“Chẳng hạn việc ban hành quy chế liên kết vùng; việc ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSCL là chậm so với yêu cầu, với tiến độ đã đề ra”, Phó Thủ tướng nói.
Vì vậy, nhiệm vụ ưu tiên của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong thời gian tới là cùng với các bộ, ngành, địa phương tìm ra những giải pháp để thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ những sản phẩm chủ lực của vùng một cách bền vững.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã yêu cầu lãnh đạo một số bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, có đề xuất cụ thể trong phát triển hạ tầng; cung cấp thông tin thị trường nông sản thế giới làm cơ sở để Trung ương, các tỉnh ĐBSCL có những quyết sách phù hợp nhất. Từ đó, tiến hành quy hoạch lại sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, sản phẩm của toàn vùng ĐBSCL.
Theo Chinhphu.vn