Chỉ số cải cách hành chính thể hiện quản lý của từng cơ quan

Cập nhật ngày: 12/08/2013 05:42:56

Cải cách hành chính là nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai và đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp còn chậm, kết quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Trong chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời những thắc mắc của người dân về vấn đề này.

PV: Thưa Bộ trưởng, một cán bộ ở văn phòng UBND một tỉnh miền Trung hỏi Bộ trưởng như thế này: Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang triển khai kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2012 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ,UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của Chỉ số này là gì và ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của bộ máy hành chính các tỉnh, thành phố?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Xác định Chỉ số cải cách hành chính thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đổi mới công tác quản lý theo dõi, đánh giá để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020. Về mặt thực tiễn, Chỉ số cải cách hành chính là công cụ quản lý mới có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện qua một số nội dung cơ bản như sau.

Thứ nhất, chỉ số cải cách hành chính đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan kết quả cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, coi trọng việc tự đánh giá của cơ quan quản lý hành chính và đánh giá của các cơ quan, tổ chức bên ngoài. Nhất là đối với những doanh nhân, doanh nghiệp, người dân là những đối tượng trực tiếp thụ hưởng sự phục vụ của các cơ quan hành chính.

Thứ hai, thông qua Chỉ số cải cách hành chính có thể đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của việc thực hiện cải cách hành chính, thông qua đó sẽ giúp cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cơ sở xem xét, đánh giá điều chỉnh mục tiêu nội dung cải cách hành chính hàng năm. Đồng thời đề ra các giải pháp thích hợp đảm bảo ngày càng nâng cao kết quả của công tác cải cách hành chính của bộ, ngành địa phương.

Thứ ba, xác định Chỉ số cải cách hành chính theo các tiêu chí, định lượng cụ thể trên cơ sở đó giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể so sánh, đánh giá, xếp loại kết quả cải cách hành chính hàng năm của mình.

PV: Bộ trưởng có thể cho biết thêm là tại sao cho đến thời điểm này chúng ta cần phải có một chỉ số cải cách hành chính? Một người dân viết như thế này: Hoạt động cải cách hành chính của nước ta đã tiến hành cả chục năm nay, các cơ quan nhà nước liên quan đã dùng công cụ nào, cách kiểm tra, kiểm soát như thế nào để theo dõi và đánh giá kết quả cải cách hành chính? Phải chăng vì chưa có công cụ để lượng hóa, đánh giá cụ thể nên công tác “hành chính” của chúng ta vẫn chưa “cải cách” là bao so với kỳ vọng của người dân và xã hội? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về câu hỏi này?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Trong việc theo dõi đánh giá cải cách hành chính trong 10 năm qua chủ yếu bằng hình thức theo dõi, đánh giá, báo cáo của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tổng hợp gửi về Bộ Nội vụ. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng báo cáo cải cách hành chính hàng tháng, hàng quý, hàng năm trình ra phiên họp của Chính phủ để thực hiện. Ngoài ra, hàng năm các Bộ, ngành và địa phương cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất để kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính của các đơn vị trược thuộc.

Bộ Nội vụ với chức năng là cơ quan thường trực về cải cách hành chính của Chính phủ thì hàng năm cũng tổ chức các đợt kiểm tra công tác cải cách hành chính tới các Bộ, ngành, địa phương. Có thể nói rằng, thời gia qua, công tác đánh giá, theo dõi cải cách hành chính còn nặng về định tính, chủ quan, chưa tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức người dân và xã hội trong quá trình tham gia, đánh giá kết quả cải cách hành chính.

Mặt khác, trong thời gian vừa qua, công tác đánh giá cải cách hành chính chúng ta chưa có những tiêu chí định lượng cụ thể. Do đó rất khó xác định được kết quả trong từng lĩnh vực cụ thể trong cải cách thủ tục hành chính của cac Bộ ngành cũng như địa phương nên dẫn đến khó khăn đánh giá, xếp loại về kết quả cải cách hành chính.

PV: Thưa Bộ trưởng, kết quả chỉ số cải cách hành chính sẽ được công bố vào cuối năm nay. Xin Bộ trưởng cho biết, việc xác định, công bố chỉ số cải cách hành chính có giúp Chính phủ, người dân và xã hội nhận diện rõ nét hơn kết quả cải cách hành chính của các Bộ, ngành, các tỉnh thành hay không? Và người dân được thụ hưởng gì từ chính sách này thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Chỉ số cải cách hành chính được xác định bằng hệ thống các tiêu chí với các thang điểm, đánh giá cụ thể đối với từng tiêu chí. Việc đánh giá cải cách hành chính, các tiêu chí sẽ được thực hiện theo 2 phương thức.

Thứ nhất, các cơ quan hành chính tự đánh giá kết quả cải cách hành chính của mình. Thứ 2, thông qua điều tra xã hội học để mà đánh giá kết quả cải cách hành chính các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trước hết, để thực hiện mục tiêu chỉ số cải cách hành chính thực chất, khách quan, các cơ quan phải thực hiện nghiêm túc việc theo dõi đánh giá, chấm điểm về kết quả về cải cách hành chính của mình. Chúng ta đã làm được những gì và kết quả như thế nào thì tiến hành xem xét, chấm điểm đúng những thang điểm đã được quy định. Mặt khác để xây dựng được một nền hành chính dân chủ ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, của toàn xã hội.

Trong việc điều tra xã hội lần này, đòi hỏi sự tham gia nhiệt tình, tích cực, khách quan, công bằng của các cơ quan tổ chức đối với việc đánh giá kết quả cải cách hành chính của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nếu các cơ quan hành chính tự đánh giá trách nhiệm, thực chất, khách quan tiến hành điều tra xã hội học tốt thì chắc chắn khi chúng ta công bố bộ chỉ số cải cách thủ tục hành chính sẽ tạo được sự nhất trí trong nội bộ sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân.

Như đã nói, Chỉ số đánh giá cải cách hành chính thì phương thức thứ nhất là các cơ quan hành chính tự đánh giá, thứ 2 là điều tra xã hội học. Nếu đối với các bộ, cơ quan ngang bộ thì các đối tượng sau đây có thể tham gia đánh giá gồm: các đại biểu Quốc hội, cán bộ công chức, ban đảng, đoàn thể, Bộ ngành trung ương, ý kiến người dân, doanh nghiệp lớn.

Địa phương là đại biểu HĐND cấp tỉnh, cán bộ công chức cấp tỉnh , người dân, doanh nghiệp. Nếu mà các đối tượng nêu trên tham gia một cách đánh giá trách nhiệm, thực chất, khách quan thì khi công bố chỉ số cải cách hành chính sẽ giúp cho cơ quan hành chính đó tự điều chỉnh những việc cần phải làm. Những mặt tốt thì các cơ quan hành chính tiếp tục phát huy, mặt nào còn tồn tại yếu kém thì khắc phục sữa chữa để phục vụ tốt hơn của người dân và xã hội./.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

Theo VOV News

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn