Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tháng 8 tăng 0,83%
Cập nhật ngày: 25/08/2013 08:29:44
Theo như dự báo trước của các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong nước, CPI tháng 8-2013 của cả nước tăng cao, bởi đây là tháng chịu tác động của giá xăng dầu, giá gas và giá dịch vụ y tế tăng cao.
Ảnh: TTXVN
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24-8 cho thấy, CPI tháng 8 tăng 0,83% so với tháng 7; tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,9% so với bình quân 8 tháng cùng kỳ năm 2012.
CPI tháng 8/2013 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,22-4,11%; trong đó, mức tăng cao nhất thuộc về nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng thấp nhất là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ.
Chỉ ra nguyên nhân CPI tháng 8 tăng cao, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Nguyễn Đức Thắng cho biết, do giá xăng dầu được điều chỉnh vào ngày 17-7 và ảnh hưởng của hai đợt tăng giá trong tháng 6/2013 làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,5% so với tháng trước, đóng góp vào CPI chung 0,08%.
Trong tháng 8, mưa bão liên tiếp cũng đã ảnh hưởng tới các tỉnh phía Bắc làm cho giá lương thực, thực phẩm tăng khá cao so với tháng trước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long giá lương thực, thực phẩm cũng tăng cao (+1,42% ) trong đó Long An tăng 1,44%; Tiền Giang tăng 2,77%, Trà Vinh tăng 3,4%; Kiên Giang tăng 2,44% và Bạc Liêu tăng 1,16% do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng đã ảnh hưởng đến giá gạo trong nước.
Đặc biệt, thành phố Hà Nội vừa áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29-2-2012 làm cho nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,11% so với tháng trước, đóng góp vào CPI chung cả nước mức tăng 0,23%.
Không những thế, bắt đầu vào mùa nhập học của nhóm mẫu giáo, các trường cao đẳng, dạy nghề nên giá học phí ở một số tỉnh, thành phố cũng tăng làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng khá cao (+0,9%), cụ thể: học phí mẫu giáo tăng 1,57%; học phí trung cấp tăng 0,75%; học phí cao đẳng tăng 2,09%; học phí đại học tăng 0,56%.
Trong nhóm rổ hàng hàng hóa, nhóm lương thực tháng 8 đã tăng trở lại so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ mưa bão liên tiếp xảy ra trên diện rộng, cùng với giá cước vận tải tăng.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu tăng sau khi giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm nay, tính mốc ngày 30/7/2013 giá gạo xuất khẩu tăng 10 USD/tấn. Giá gạo bán lẻ trong nước tăng trở lại, trong đó: giá gạo tẻ thường tăng 0,92%, giá gạo tẻ ngon tăng 0,47% và giá gạo nếp tăng 0,53% so tháng trước.
Mưa lớn gây úng nhiều nơi cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ sinh trưởng của cây trồng nên sản lượng rau xanh bán ra thị trường giảm đáng kể làm cho giá nhiều loại rau xanh tăng cao từ 1,7 đến 2 lần; rau chế biến tăng tới 50%.
Thêm vào đó, chuẩn bị cho Rằm Trung thu nên giá các mặt hàng từ trứng, bơ, sữa, bánh kẹo bắt đầu tăng nhẹ từ 0,2-0,5%.
Giá vàng tháng này tăng nhẹ theo giá vàng thế giới. Hiện nay, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 3 triệu đồng/lượng; giá vàng trong nước ngày 15-8 dao động quanh mức 3.735.000 đồng/chỉ. Tỷ giá đôla tháng 8/2013 khá ổn định, tỷ giá đôla Mỹ của liên ngân hàng từ ngày 28-6-2013 đến nay và vẫn giữ ở mức 21.036 VND/USD. Giá đôla Mỹ ở thị trường tự do tháng này xoay quanh mức 21.700 VND/USD./.
Theo TTXVN