Đồng bằng sông Cửu Long cần thêm "đặc sản" du lịch
Cập nhật ngày: 02/04/2013 08:28:49
Để du lịch đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc phát triển hạ tầng, chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực, rất cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để hấp dẫn du khách.
Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển
các sản phẩm du lịch đặc thù. Ảnh minh họa
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2012, ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã đón gần 20 triệu lượt du khách, trong đó có hơn 1,6 triệu khách quốc tế; tổng doanh thu đạt 4.344 tỷ đồng, tăng 23,2% so với năm 2011.
Tuy vậy, khu vực này hiện vẫn chưa có sản phẩm du lịch đúng nghĩa, cũng không có “đặc sản” du lịch. Du lịch nơi đây còn gặp khó do cơ sở hạ tầng yếu kém, đội ngũ làm nghề vừa thiếu về lượng, vừa yếu về chất nên cần phải có hướng đi mới.
Chia sẻ quan điểm trên, ông Trần Đạt Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long cho rằng du lịch khu vực này chưa thu hút được nhiều du khách là do những yếu kém của cơ sở hạ tầng.
Theo ông Duy, từ sân bay Tân Sơn Nhất, du khách phải mất gần 4-6 giờ đồng hồ để di chuyển xuống các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, dịch vụ như khách sạn, nhà hàng… chưa phát triển đồng bộ với nhu cầu tăng số lượng khách đến tại các địa phương nên dẫn đến tình trạng quá tải và chất lượng phục vụ chưa tốt.
Mặt khác do, các tỉnh ở khu vực này đều có điều kiện tự nhiên na ná nhau với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, dẫn đến việc nhiều tỉnh/thành đua nhau phát triển du lịch sinh thái, tận dụng vườn cây ăn trái để tổ chức tour du lịch miệt vườn, nên giữa các tỉnh chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút du khách.
Thừa nhận vấn đề này ông Lê Văn Sang, Giám đốc Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh (TP. Cần Thơ), cho rằng có quá nhiều địa phương và công ty du lịch ở đây chỉ có 1 sản phẩm tour du lịch duy nhất là du lịch sinh thái. Tất cả đều có đờn ca tài tử, chèo xuồng ba lá, ăn cá đồng, hái trái cây, tham quan chợ nổi,… Khách chỉ cần đến một điểm đã biết cả vùng có sản phẩm gì nên mất dần sức hút.
Thực chất, du lịch sinh thái là loại hình du lịch rất đặc thù nhằm hướng tới mục tiêu chính là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên cho con người. Để làm được du lịch sinh thái đúng nghĩa, cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, thời gian kéo dài và chắc chắn không thể thiếu sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các cơ quan liên quan. Không để tình trạng các công ty du lịch có gì làm đó, không có chiến lược lâu dài và bền vững.
Như vậy, để phát triển ngành du lịch của đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt chúng ta đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư tôn tạo, bảo tồn cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên. Tiếp đến, phải đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch. Không ngừng đổi mới các loại hình nhằm thay đổi sở thích cho du khách tạo sự thích thú để khám phá.
Bên cạnh đó, cần phải đào tạo cho được đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp. Có đội ngũ làm du lịch giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề thì mới có thể tính tới việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách cũng như triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch của vùng trong tương lai.
Theo Thanh Thủy/chinhphu.vn