Động đất 'nguy hiểm nhất' tại Sông Tranh 2
Cập nhật ngày: 17/09/2012 13:18:59
Rạng sáng nay, hai trận động đất lại xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có độ chấn tiêu nông nhất so với những lần trước. Đây được xem là động đất có độ nguy hiểm, sức công phá bề mặt cao.
Lúc 0h37 ngày 17/9, lòng đất ở huyện Bắc Trà My bỗng phát ra tiếng nổ, nhà cửa bị rung lắc mạnh khiến nhiều người dân đang chìm sâu trong giấc ngủ phải bật dậy, hoảng loạn chạy ra khỏi nhà.
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, lúc gần 5h sáng nay lại tiếp tục xảy ra một rung chấn khác sau khi lòng đất phát tiếng nổ. Hai trận động đất này đều có kéo dài hơn 5 giây, lâu hơn những trận trước đó.
Vai trái của đập thủy điện Sông Tranh 2 bị trượt lở, lõm sâu
do động đất liên tục xảy ra ở khu vực này
Thống kê của UBND huyện Bắc Trà My, những trận động đất liên tiếp hơn một tuần qua đã gây nứt 17 nhà dân, hai trường học và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Trong đó, hai nhà dân ở xã Trà Đốc bị hư hỏng nặng vì động đất buộc phải rời khỏi nhà, sống tạm ở bà con lối xóm để tránh nguy hiểm đến tính mạng. Hôm nay, huyện thành lập đoàn công tác tổng kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại nhà cửa, trường học... để có phương án hỗ trợ khắc phục, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong mùa mưa lũ năm nay.
Viện Vật lý địa cầu xác nhận, các trạm địa chấn của Viện đã ghi nhận một trận động đất vào lúc gần 5h sáng nay với 2,7 độ ritcher; độ chấn tiêu 5 km, tâm chấn cách đập thủy điện khoảng 22 km thuộc địa phận huyện Bắc Trà My. Trận còn lại có thể nhỏ hơn 2 độ ritcher nên các trạm ở quá xa không thể ghi nhận được. Hầu hết các trận động đất xảy ra trong hơn một tuần qua là nằm trên đới đứt gãy theo phương Đông Bắc - Tây Nam, gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Trận động đất sáng nay dù chỉ 2,7 độ ritcher nhưng độ chấn tiêu nông nhất so với các trận động đất từ trước đến nay.
Theo TS Lê Văn Dũng, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, động đất có độ chấn tiêu càng nông thì độ nguy hiểm, sức công phá bề mặt của nó càng cao. "Hiện chúng tôi đang lo ngại những trận động đất tiếp theo lớn hơn, tiến dần đến trận động đất cực đại có tâm chấn ở gần đập thủy điện thì dễ gây hiểm họa khó lường", ông Dũng lo lắng.
Thống kê của Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 17/8 đến sáng 17/9, tại Trạm quan trắc động đất ở Huế và Bình Định, các máy gia tốc lắp đặt tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận 17 trận động đất. Trong đó có hai trận lớn nhất là vào 20h46 ngày 3/9 với cường độ 4,2 độ ritcher và lúc 9h27 ngày 7/9 với cường độ 4 độ ritcher.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam lo ngại, trước tình hình động đất xảy ra dồn dập ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Chính phủ cần cân nhắc, thận trọng khi cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích nước ở hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Tỉnh đang triển khai tập huấn cho người dân ở các địa phương sinh sống gần với thủy điện Sông Tranh 2 ứng phó với động đất; đồng thời sẵn sàng phương án diễn tập di dời dân, chủ động với tình huống xấu nhất xảy ra là đập thủy điện có nguy cơ vỡ.
"Nếu xét thấy không an toàn, tỉnh Quảng Nam sẽ đề nghị Chính phủ không cho tích nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục đưa vấn đề này trong kỳ họp vào tháng 10 của Quốc hội", ông Sỹ nói.
Ban quản lý Dự án thủy điện 3 cho biết, trong thân đập có gần 600 thiết bị điện tử với đầy đủ các chức năng như: quan trắc nhiệt độ, động đất, sự chuyển vị khe nhiệt, ứng suất áp lực thấm… nhằm đảm bảo đập vận hành được an toàn. Sau khi khắc phục sự cố, hiện tại lưu lượng nước thấm của đập thủy điện Sông Tranh 2 là 2,59 lít/giây.
Tuần trước, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu EVN thường xuyên kiểm tra, báo cáo tình hình an toàn vận hành đập thủy điện Sông Tranh 2. EVN phải cung cấp các số liệu từ các thiết bị quan trắc đặt tại công trình về động đất xảy ra tại đập thủy điện Sông Tranh 2 cho UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My và các cơ quan có liên quan để theo dõi, chỉ đạo và thông tin chính xác, kịp thời đến người dân trong khu vực.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, báo cáo Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh việc khảo sát, nghiên cứu các nguyên nhân gây rung chấn động đất.
ĐH (Theo Trí Tín-VnE)