Dự thảo Luật Việc làm - Nhiều quy định thiếu thực tế
Cập nhật ngày: 02/11/2012 05:41:48
Dự án Luật Việc làm mặc dù dự thảo đã được nhiều lần lấy ý kiến góp ý và dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp lần này xem xét. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo Luật Việc làm lần này vẫn còn nhiều điều khoản bất cập, chồng chéo so với các luật khác. Nhiều điều khoản còn quy định chung chung, thiếu tính khả thi.
Ôm đồm, chồng chéo...
Dự thảo Luật Việc làm gồm 9 chương, 112 điều trong đó đề cập đến nhiều nhóm vấn đề như phát triển việc làm, thông tin thị trường lao động, quản lý lực lượng lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, tuyển và đăng ký sử dụng lao động, bảo hiểm việc làm, lao động nước ngoài tại Việt Nam và lao động Việt Nam ở nước ngoài… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Việc làm đã bộc lộ rõ sự bất cập, chồng chéo, trùng lắp so với các luật liên quan hiện nay.
Người lao động tìm việc làm tại sàn giao dịch việc làm TPHCM
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó phòng LĐTB-XH quận 4 phân tích, về phát triển kỹ năng nghề, trong Luật Dạy nghề đã quy định rất rõ, trong lúc đó lúc dự thảo Luật Việc làm cũng dành một chương về vấn đề này mà nội dung không có gì mới. Đó là chưa nói đến các chương khác cũng đã được quy định rõ trong các luật và bộ luật khác được đưa vào để làm thành 1 chương. Trong dự thảo Luật Việc làm còn có rất nhiều điều khoản quy định được cóp nhặt từ các như Bộ luật Lao động, Luật BHXH…
Chưa hết, trong dự thảo Luật Việc làm có một điều khoản bất cập và thiếu tính khả thi. Cụ thể, tại khoản 1 và 2 Điều 28 về đăng ký lao động “UBND cấp xã phải có trách nhiệm thông báo và thực hiện việc đăng ký lao động đối với công dân đủ 15 tuổi có hộ khẩu thường trú tại địa bàn”. Nội dung đăng ký lao động bao gồm: tên, tuổi, hộ khẩu thường trú, tạm trú, số CMND, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, tình trạng việc làm…
Nhiều ý kiến đặt ra là đăng ký để làm gì trong khi việc này đã có bên ngành thống kê làm một cách toàn diện hơn. Thứ hai là nguồn kinh phí, biên chế cán bộ ở đâu để thực hiện. Và điều quan trọng hơn là đăng ký để làm gì? Người lao động được lợi gì hay họ lại cảm thấy rắc rối hơn? Đó là chưa kể việc đến tuổi 15 hiện nay mới chỉ hết cấp trung học cở sở, còn phải đi học.
Ngoài ra, quy định người lao động khi thay đổi trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình trạng việc làm, địa điểm việc làm phải bổ sung nội dung đăng ký tại UBND xã cũng bị nhiều đại biểu cho là quá phiền hà, thiếu thực tế, khó khả thi.
Bảo hiểm việc làm: Vẫn rắc rối
Dự thảo Luật Việc làm dành hẳn một chương để quy định về bảo hiểm việc làm nêu rõ mục đích hỗ trợ duy trì và phát triển việc làm; ngăn ngừa thất nghiệp; hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập và sớm đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Việc hỗ trợ được thể hiện trong các trường hợp cụ thể như: Người sử dụng lao động vay tiền từ các tổ chức tín dụng để trả tiền lương; tiền đóng BHXH bắt buộc; bảo hiểm việc làm; bảo hiểm y tế; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề thì được hỗ trợ lãi suất tiền vay.
Trường hợp chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được hỗ trợ kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; đào tạo lại cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác trong doanh nghiệp. Trong đó đối tượng tham gia bảo hiểm việc làm cũng được mở rộng.
Tuy nhiên, về vấn đề này nhiều ý kiến lo ngại, nếu có thêm bảo hiểm việc làm sẽ gây hiệu ứng không tốt cho người lao động vì hiện nay đã có BHTN đang thực hiện những chính sách tương tự. Hơn nữa, theo dự thảo mỗi lao động lại có thêm thẻ lao động hoặc sổ việc làm sẽ thêm rối. Đó là chưa kể đến việc tách bảo hiểm việc làm ra khỏi BHXH sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đóng BHXH một nơi, bảo hiểm việc làm một nơi gây phiền hà.
Trong khi xu hướng thế giới là tích hợp các dịch vụ, phúc lợi xã hội thành một thẻ thì nước ta lại làm kiểu ngược lại, không phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.
ĐH (Theo Hồ Thu-SGGPO)