Đưa hàng Việt về nông thôn gỡ khó cho doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 25/04/2013 08:54:31

Nhiều DN tìm được giải pháp kích cầu, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng doanh số từ các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”.

Vài năm trở lại đây, tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp là tìm đầu ra cho sản phẩm, giải quyết hàng tồn kho. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đã tìm được giải pháp kích cầu, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng doanh số từ các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Các phiên chợ này đã lên đến con số hơn 100, ở 25 tỉnh, thành trong cả nước, thu hút ngày càng đông doanh nghiệp tham gia và ngày càng chứng tỏ hiệu quả.


Nhờ tiếp cận tốt thị trường nông thôn, nhiều doanh nghiệp bớt khó khăn

Công ty hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, TPHCM là một trong những doanh nghiệp tham gia phiên chợ Hàng Việt về nông thôn đầu tiên tháng 3/2009. Cho đến nay, Mỹ Hảo cũng là một trong những doanh nghiệp tham gia nhiều phiên chợ nhất trong số 101 phiên chợ đã được tổ chức. Có mặt tại 87 phiên chợ, Mỹ Hảo từ chỗ đi thuê lều bạt để trưng bày sản phẩm đã thiết kế hẳn một gian hàng lắp ghép hiện đại, xe chở sản phẩm từ vài trăm kg đã phải tăng lên vài tấn mới đủ phục vụ cho từng phiên chợ.

Ở mỗi nơi phiên chợ diễn ra, Mỹ Hảo mở thêm được ít nhất 3 đại lý. Quan trọng hơn, qua tiếp cận người tiêu dùng nông thôn, công ty đã nghiên cứu sản xuất nhiều sản phẩm mới, phù hợp thị hiếu và tìm ra cách giới thiệu sản phẩm mới ngay tại các phiên chợ, đưa sản phẩm vào thị trường nông thôn trước rồi mới tiếp cận thị trường thành thị. Như thế, giảm được đáng kể chi phí quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc thuê các đầu kệ tại siêu thị, từ đó giảm giá thành sản phẩm để cùng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết: “Những sản phẩm mới, đại lý và các quầy hàng khi nhập thường đòi hỏi thương hiệu quen thuộc, có quảng cáo nhiều. Còn nếu có bán hàng nông thôn sẽ được giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu chứ không chỉ đơn thuần là bán hàng. Nếu không có bán hàng nông thôn, khó giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng”.

Cũng qua các phiên chợ hàng Việt, doanh nghiệp làm hàng cơ khí như Công ty sản xuất cân Nhơn Hòa đã liên tiếp tăng doanh thu từ 5% đến 10% trong 3 năm trở lại đây. Công ty thấy rõ rằng, qua trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng ở nông thôn, uy tín được nâng lên rõ rệt, sản phẩm khẳng định được chất lượng, không bị hàng gian hàng giả lấn át và nhất là từng bước cải tiến được mẫu mã để hấp dẫn hơn.

Ông Bùi Đình Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty sản xuất cân Nhơn Hòa cho biết: “Sản phẩm cơ khí không dễ tăng doanh số bán hàng. Nhưng từ năm 2011, 2012 đến nay, sản phẩm của chúng tôi vẫn giữ ổn định, thậm chí có tăng và không đủ đáp ứng nhu cầu. Có lẽ đã nắm được thị trường tiềm năng là thị trường nông thôn”.

Từ chỗ chỉ có hơn 10 doanh nghiệp tham gia phiên chợ đầu tiên vào đầu năm 2009, đến nay, phiên chợ Hàng Việt về nông thôn thứ 101 đã có đến hơn 50 doanh nghiệp tham gia, trên 85% là doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng chỉ trong 2 ngày. Phiên chợ không chỉ kích cầu, đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng nông thôn mà còn khuyến khích các doanh nghiệp tại địa phương diễn ra phiên chợ quan tâm hơn, chú trọng hơn vào thị trường nội địa.

Đồng Tháp là tỉnh phối hợp tổ chức nhiều phiên chợ Hàng Việt về nông thôn nhất với 12 phiên. Ông Phan Kim Sa, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho rằng: nhiều doanh nghiệp ở tỉnh này trước đây chỉ chú trọng đến thị trường đô thị thì nay đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đánh giá đúng tầm quan trọng của thị trường nông thôn.

Sau một năm triển khai, Chương trình phiên chợ Hàng Việt về nông thôn đã được đưa vào Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công thương vào đầu năm 2010. Đến nay, qua 4 năm hoạt động, hơn 200 doanh nghiệp đã và đang tham gia đều cho rằng, chương trình là một trong những giải pháp tốt để doanh nghiệp chiềm lĩnh thị trường nông thôn, khẳng định chất lượng của hàng Việt, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt và hiệu quả nằm ở chiến lược sản xuất, kinh doanh lâu dài sau phiên chợ chứ không chỉ ở doanh thu.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng: Năm 2015, năm hình thành cộng đồng kinh tế khu vực ASEAN+1, khi đó các mặt hàng từ các nước ASEAN và Trung Quốc đều vào đây và hầu hết là thuế suất bằng 0. Khi đó thị trường không phải là 90 triệu dân nữa mà mở rộng ra 500 triệu người tiêu dùng. Chúng ta trước hết phải củng cố căn cứ địa-đó là thị trường nông thôn”.

Hiện nay, các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn được tiếp tục tổ chức với nhiều điểm mới hơn, nâng cao hơn như: gắn với việc nâng cấp chợ huyện, thắp sáng đường quê, đưa thư viện số lưu động phục vụ thanh thiếu niên địa phương…Rất nhiều địa phương và doanh nghiệp đề nghị nên tổ chức các phiên chợ lâu dài nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất và người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu hàng Việt./.

Nguồn: Minh Hạnh/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn