Hội nghị tôn vinh những tấm gương khuyết tật vượt khó

Cập nhật ngày: 14/04/2013 10:54:59

Tham dự hội nghị lần này có 333 đại biểu là người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ từ 63 tỉnh, thành phố.

Sáng 14/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức “Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 4.

Theo Ban tổ chức, tham dự hội nghị lần này có 333 đại biểu là người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ từ 63 tỉnh, thành phố. Từ huyện Cần Đước, tỉnh Long An, vượt qua hàng nghìn km về dự hội nghị, em Nguyễn Thị Sari phấn khởi lần đầu ra thăm thủ đô. Nguyễn Thị Sari bị bại liệt từ năm 3 tuổi, nhưng em đã quyết tâm vượt qua khó khăn vươn lên để trở thành vận động viên bơi lội đạt được nhiều huy chương tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc và Paragames, Asiad Paragames…


Anh Tú - một người khuyết tật vươn lên làm chủ CNTT.

Sari chia sẻ, trong cuộc sống nếu đóng cánh cửa này sẽ mở ra cho ta cánh cửa khác. Em nói: Lúc đầu khi vào tham gia thể thao, em bơi rất khó và em bơi chậm. Nhiều khi trời nắng, mọi người xong hết còn em chưa xong, lúc đó em nản và em muốn bỏ cuộc. Nhưng em nghĩ là nếu mình bỏ cuộc như vậy, mình đầu hàng số phận. Vì vậy, em nghĩ rằng nếu một người bình thường cố gắng 1, em phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người ta để có thể giành được những điều mà mình mong muốn.

Những người được biểu dương tại hội nghị là những tấm gương không lùi bước trước khó khăn, sự nghiệt ngã cuộc đời, luôn phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống; là thành viên trong xã hội đã có sự trợ giúp về vật chất, tinh thần bằng tấm lòng nhân ái cho những người kém may mắn hơn mình.

Nói chuyện với chúng tôi, cô sinh viên Nghiêm Thị Thu Trang, chủ nhiệm CLB sinh viên khuyết tật Hoa Đá của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, bày tỏ vui mừng có dịp gặp gỡ nhiều tấm gương tiêu biểu trong học tập, lao động để có thể chia sẻ, giúp em có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn trong học tập.

Bạn Thu Trang tâm sự: “Em mong muốn môi trường hòa nhập ở Việt Nam, được cải thiện hơn để các bạn sinh viên khuyết tật có một cái nhìn lạc quan hơn, phá vỡ những rào cản về xã hội... Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ này không chỉ là một hoạt động tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định nỗ lực vươn lên, sống có ích cho gia đình, xã hội của người khuyết tật, trẻ mồ côi; truyền thống sẻ chia, “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc mà còn góp phần tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.”

Doanh nghiệp tư nhân Mạnh Dũng, sản xuất đồ gỗ ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10 lao động khuyết tật và hỗ trợ nhiều lao động khác học nghề. Anh Lê Hồng Sơn, chủ doanh nghiệp mong muốn: “Tôi rất băn khoăn về cơ sở của mình, thứ nhất là cơ sở của mình chưa được hoàn thiện cũng như là chưa được như những trung tâm để đảm bảo dạy nghề cho người khuyết tật. Tôi cũng mong muốn có được sự hỗ trợ, để mở mang thêm cơ sở, và có thêm máy móc nhiều hơn để thu hút được nhiều người lao động là người khuyết tật và con em khiếm khuyết trong xã hội".

Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng bằng khả năng và nghị lực của mình, những người khuyết tật đã cố gắng vươn lên để tự khẳng định mình và giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Đấy chính là điều mà chúng ta cần phải biết nâng niu, trân trọng.../.

Nguồn: Hường-Thảo/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn