Kiến nghị tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật ngày: 31/05/2013 09:38:44

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm và những giải pháp thực hiện từ nay đến cuối năm, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất những giải pháp tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển khu vực nông nghiệp-nông thôn.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị tăng mức đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Trương Văn Vở (Đồng Nai) dẫn số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2010 đến nay, mức đầu tư ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp nông thôn rất thấp, trên dưới 1,5% GDP trong khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP trên dưới 20%.


Chính sách cho nông nghiệp cần giúp nông dân sản xuất lớn, gia tăng giá trị

“Như vậy là rất khiêm tốn và chính sự khiêm tốn này không tạo động lực cho nông thôn phát triển”, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại nói.

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng tăng mức độ khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Cụ thể, trước mắt sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng miễn thuế cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn và giảm thuế suất xuống 5% đối với địa bàn khó khăn.

Gỡ khó cho xây dựng nông thôn mới

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, sau 2 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã xác định lộ trình, cách làm, bước đi cụ thể phù hợp với từng địa phương, đã phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các cấp xã, thôn và sự tham gia của người dân, chủ thể của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương cải thiện rõ rệt, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cũng cho rằng, kết quả thực hiện một số tiêu chí còn chậm, nhất là thực hiện tiêu chí giao thông ở các tỉnh miền núi, vùng cao còn rất chậm.

“Hầu như chưa có sự thay đổi nhiều so với thời điểm rà soát. Nguyên nhân là do hầu hết các địa phương này có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Nguồn lực bố trí từ ngân sách còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp chưa nhiều, thậm chí nhiều địa phương không có nguồn để huy động thực hiện chương trình này”, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho hay.

Để thực hiện lộ trình của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, đại biểu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Chính phủ cần có cơ chế phù hợp trong phân bổ ngân sách cho khu vực miền núi, vùng cao, địa phương khó khăn trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là có cơ chế về hỗ trợ vật liệu, về phương tiện để thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại đề xuất cần có quy định cụ thể về mức tối đa, tối thiểu hỗ trợ từ ngân sách trong xây dựng nông thôn mới để các địa phương chủ động bố trí nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Đây là giải pháp để tránh sự trông chờ, ỷ lại, không chủ động ở cơ sở.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) cho biết, tuy mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất nông nghiệp là thiết thực và hiệu quả nhưng vấn đề nhân rộng và phát triển mô hình này gặp không ít khó khăn, nhất là việc bảo đảm đầu ra cho nông sản.

“Do đó cần có vai trò của Nhà nước trong việc nhân rộng mô hình này”, đại biểu Lê Công Đỉnh nói. Ông đề xuất Chính phủ nên quan tâm đến việc hình thành những doanh nghiệp Nhà nước, các công ty cổ phần chuyên phát triển cánh đồng mẫu lớn, trong đó các doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò quan trọng, sát cánh với nông dân từ khâu cung ứng vật tư, giống, máy móc, thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt trong khâu tiêu thụ.

Hỗ trợ cho nông dân phải đúng địa chỉ

Từ thực tế các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết, vấn đề khó trả lời nhất là tác động cụ thể, trực tiếp của cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến bà con.

“Bà con nông dân luôn than phiền việc hỗ trợ của Nhà nước đến tay họ là quá ít. Chúng ta đều biết rằng trong 4 khâu sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất khẩu, người nông dân sản xuất là đối tượng dễ bị tổn thương nhất”, ông Hoàng nói.

Từ thực tế đó, ông Hoàng kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu phương án hỗ trợ trực tiếp cho nông dân bằng những mô hình, cách thức hợp lý thay vì qua doanh nghiệp.

“Chính phủ có thể hỗ trợ bà con nông dân về lãi suất, các khoản vay phục vụ cho sản xuất, tạm trữ, tổ chức lại cho nông dân thành các hợp tác xã lúa gạo, có hệ thống bảo quản đạt tiêu chuẩn. Có như vậy mới khuyến khích giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân mới thực sự làm giàu trên mảnh đất của mình”, đại biểu Cà Mau đề xuất.

Đại biểu Lê Công Đỉnh cho rằng phải xem xét lại một cách nghiêm túc để có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của các tổng công ty, hiệp hội trong hệ thống thu mua nhiều cấp như hiện nay và tác động của hệ thống này, trước mắt đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh trên thị trường quốc tế như gạo, cà phê, điều, tiêu, cá da trơn, tôm.

Nâng hiệu quả đào tạo nghề nông thôn

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) thẳng thắn đề nghị phải chấn chỉnh hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đại biểu này, hiện nay hệ thống các cơ sở dạy nghề rất phân tán, chồng chéo. Ngành lao động có trường dạy nghề, ngành giáo dục cũng có sơ sở dạy nghề, một số tổ chức đoàn thể cũng có trung tâm dạy nghề.

“Cơ sở nào cũng tìm cách duy trì hoạt động của mình, thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, có khi chỉ tổ chức đào tạo cho có, chỉ nhằm đạt doanh thu. Nhiều nơi cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy và đội ngũ giáo viên không được đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, không đáp ứng được thị trường lao động”, ông Lâm nói.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể, đột phá giải quyết vấn đề này. Đại biểu gợi ý, bên cạnh việc tháo gỡ giúp doanh nghiệp để tạo việc làm, cần chỉ đạo sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề hợp lý và sát với nhu cầu học nghề của người dân, nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng đào tạo của các cơ sở dạy nghề để tránh lãng phí. Đồng thời tiếp tục rà soát tổ chức thực hiện chính sách hợp lý có hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng khó khăn, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động; chính sách hộ nghèo được vay vốn để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm.

Theo Xuân Tuyến (Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn