Làm rõ 3 vấn đề cốt yếu về nợ xấu của các ngân hàng
Cập nhật ngày: 11/08/2012 08:58:41
Công khai hóa, minh bạch hóa, công bố rõ ràng số liệu chính thức về nợ xấu của các ngân hàng là chủ trương nhất quán của Chính phủ. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã lần lượt giải đáp rõ 3 câu hỏi liên quan đến vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xu thế công khai hóa, minh bạch hóa, công bố những số liệu chính thức về nợ xấu của các ngân hàng. - Ảnh minh họa
Tại sao có số liệu khác nhau về nợ xấu?
Vấn đề đầu tiên là, bên cạnh bản thân quy mô của những khoản nợ, dư luận còn băn khoăn trước thông tin khác nhau về chúng, trong đó có nhiều thông tin không chính xác, mang tính bịa đặt vô căn cứ.
Phải thừa nhận một thực tế rằng số liệu được công bố từ phía các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong nhiều trường hợp có độ “vênh” nhất định, thậm chí là khác nhau. Chẳng hạn, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia báo cáo cao hơn gấp 8 lần so với Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đó.
Vấn đề này đã được đặt ra với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày Chủ Nhật 5/8 vừa qua. Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 đã đề cập và thảo luận về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xu thế công khai hóa, minh bạch hóa, công bố những số liệu chính thức về nợ xấu của các ngân hàng để cho những người quan tâm và nhân dân theo dõi.
Lý giải cụ thể hơn về sự khác biệt trong các số liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, nguyên nhân đầu tiên là các số liệu này xuất phát từ các nguồn khác nhau: Một dựa vào các báo cáo của các tổ chức tín dụng để tập hợp lại, một nguồn do cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước tìm hiểu. Thứ hai, thời điểm thống kê cũng khác nhau. Thứ ba là tiêu chí để xếp một khoản vào nhóm nợ xấu cũng có những khác nhau.
Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin tình hình nợ xấu và các biện pháp xử lý, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính tới cuối tháng 5, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 202.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo với Ngân hàng Nhà nước của các các tổ chức tín dụng, nợ xấu là hơn 118.000 tỷ đồng.
Lý giải tại sao có thống kê nợ xấu vào thời điểm tháng 5 là 4,47%, có số liệu lại là trên 10%, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, nguyên nhân của sự chênh lệch này là tiêu chí định tính trong quy định phân loại nợ hiện nay, có những tiêu chí về định lượng (là tuổi nợ) và định tính khả năng trả nợ khách hàng.
Nguyên nhân thứ hai là do sự khác biệt về thời điểm, con số 4,47% đến 31/5/2012 được tập hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng qua hệ thống thống kê. Còn qua hệ thống giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là tới 31/3/2012, tỷ lệ nợ xấu là 8,6%.
Thậm chí có cùng bảng cân đối với số liệu như nhau đối với các khoản vay, nhưng các tổ chức tín dụng đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vẫn khác nhau. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, một số tổ chức quốc tế (ví dụ như Fitch Ratings) đưa ra con số nợ xấu trên 13% cũng cần phải xem xét lại thận trọng về cách thức phân loại và mẫu chọn điều tra.
Giải thích về việc cập nhật con số nợ xấu tương đối chậm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, theo quy định, các tổ chức tín dụng, định kỳ báo cáo hàng quý, tuy nhiên thường trễ 1,5 tháng và Ngân hàng Nhà nước phải xử lý dữ liệu khoảng 2 tháng mới đưa ra được con số.
Nợ xấu có đáng lo ngại không?
Vấn đề thứ hai khiến dư luận quan tâm khi nhìn nhận về nợ xấu là con số lên tới hàng trăm nghìn tỷ liệu có đáng lo ngại hay không và đâu là “vật đảm bảo” để người gửi tiền yên tâm?
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng đưa ra hai lý do để khẳng định tình hình nợ xấu không đáng lo ngại.
Thứ nhất, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải ký 1 khoản quỹ nhất định để phòng khi rủi ro, nợ không đòi được thì không đổ bể. Khoản ký quỹ này hiện khoảng gần 70.000 tỷ đồng và là khoản được Ngân hàng Nhà nước “nắm chắc”. Bên cạnh đó, bất kỳ một doanh nghiệp nào đến vay ở NHTM đều phải có cơ chế bảo lãnh, thế chấp, nên có thể khẳng định không phải cứ nợ xấu là sẽ mất.
Thứ hai, chủ trương nhất quán của Chính phủ từ trước đến nay là không để đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng và cam kết sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Hiện, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt Ngân hàng Nhà nước là tiến hành thực hiện chương trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần. Một trong những mục tiêu là để có hệ thống ổn định và người dân không phải “thấp thỏm” lo đổ bể.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật đối với các khoản nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để khẩn trương thu hồi vốn, tạo ra thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đã trích lập trên 67.000 tỷ đồng dự phòng cho các khoản nợ xấu.
Điều đáng chú ý, 84% số nợ xấu có tài sản bảo đảm, có giá trị bằng 135% so với nợ xấu. Với bất động sản, tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo trên nợ xấu lên tới 180%.
Xử lý nợ xấu thế nào?
Vấn đề thứ ba liên quan đến nợ xấu là các cơ quan chức năng sẽ xử lý vấn đề này như thế nào để nền kinh tế vừa vận hành trơn tru, vừa đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, con số nợ 100.000 tỷ đồng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề cập trước Quốc hội là con số ước lượng số nợ xấu cần tập trung giải quyết.
Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để giải quyết nợ xấu, không phải tất cả các khoản nợ xấu đấy phải giải quyết bằng một giải pháp duy nhất là lập công ty mua bán xử lý nợ. Bằng chứng cho quan điểm này là dù công ty đó chưa được lập, nhưng nợ xấu vừa qua cũng đã được từng bước giải quyết.
Kể cả trong trường hợp có lập một công ty xử lý nợ thì cũng không nhất thiết phải có chừng ấy vốn để xử lý. “Nếu làm khéo, thì có thể số vốn ban đầu chỉ cần rất nhỏ, chúng ta cũng có thể giải quyết được một số nợ lớn hơn”, Bộ trưởng nói.
Và với số vốn nhỏ đó, nhà nước cũng không nhất thiết phải bỏ ra hết, Nhà nước có thể chỉ tham gia một phần rất nhỏ, các thành phần kinh tế tham gia vào phần còn lại. Bộ trưởng khẳng định “sẽ không có chuyện nhà nước lấy tiền ngân sách ra để cứu các doanh nghiệp, nhà nước sẽ không dùng tiền thuế của dân để đi lo cho một số doanh nghiệp như một số dư luận băn khoăn”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định trong khi chủ trương thành lập công ty mua bán nợ xấu đang dừng ở mức độ nghiên cứu, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để xử lý rốt ráo vấn đề nợ xấu.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã có những chính sách về lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tích cực, tiếp cận vốn, góp phần giảm gánh nặng nợ xấu với các tổ chức tín dụng. Đồng thời, các tổ chức này phải chủ động phối hợp kế hoạch đánh giá, rà soát lại, giãn nợ, cơ cấu lại các khoản nợ cho phù hợp điều kiện thực tế, giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, có nguồn trả nợ cho tương lai.
Biện pháp phải làm ngay là tích cực đẩy mạnh xử lý nợ xấu, xử lý các tài sản đảm bảo, thu hồi vốn cho các tổ chức tín dụng, tạo ra thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
VGP News