Liên kết vùng phải đảm bảo hài hòa lợi ích

Cập nhật ngày: 15/09/2013 05:47:54

Liên kết vùng trong phát triển sản xuất, đầu tư, đảm bảo an ninh, quốc phòng… đã được tập trung thảo luận tại cuộc giao ban 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, sáng 14/9, tại TPHCM.


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ,
điều hành phần thảo luận về liên kết vùng tại cuộc giao ban 3 Ban
Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, ngày 14/9
 Ảnh: VGP/Thành Chung

Điều hành phần thảo luận về liên kết vùng tại cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nêu những vấn đề quan trọng cấu thành liên kết vùng mà cần phải thảo luận, phân tích sâu hơn là vấn đề liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông), liên kết giữa các doanh nghiệp, liên kết giữa nông dân với nhau…

Những ghi nhận bước đầu

Đánh giá về thực trạng liên kết vùng, Viện Chiến lược chính sách (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng các địa phương đã phối hợp, kết hợp chặt chẽ trong xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, ứng phó biển đổi khí hậu… nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của mỗi tỉnh.

Trong nhiều quy hoạch đã đề xuất liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong các lĩnh vực cụ thể như xây dựng hệ thống cấp nước liên tỉnh, xây dựng khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại chung cho vùng, cũng như của vùng với các trung tâm kinh tế khác…

Liên kết phát triển du lịch cũng được các địa phương thực hiện như ở Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai (Tây Bắc) và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) mang lại ý nghĩa kinh tế-xã hội cao.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, liên kết vùng là vấn đề lớn, liên quan đến quy hoạch vùng kinh tế, dựa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp hay liên kết 4 nhà và sự phân cấp quản lý giữa chính quyền Trung ương và các chính quyền địa phương…

Vấn đề này vẫn gặp phải những tồn tại là chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát huy những lợi thế của địa phương nói riêng, của vùng nói chung. Các vùng kinh tế thiếu sự phân công, hợp tác nên đầu tư còn trùng lặp, làm giảm tính cạnh tranh của vùng, chính sách ưu đãi đất đai, thuế, khoa học công nghệ, giáo dục chưa tạo được động lực thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Khó nhưng có thể thành công

Tóm lược các ý kiến phát biểu về liên kết vùng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định liên kết vùng là nội dung hệ trọng, khó nhưng vẫn có khả năng thực hiện thành công.

Trên thực tế, vùng Tây Nam Bộ đã sớm thực hiện liên kết vùng trong những năm qua trên các lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, thủy sản, đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng các nhà máy chế biến, kho tạm trữ lương thực có phạm vi trên nhiều tỉnh, thành.

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo một số cơ chế đối với liên kết vùng này để có thể áp dụng rộng rãi, bài bản hơn trước.

Theo đó, liên kết vùng sẽ thể hiện trong các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, địa phương trong kế hoạch hằng năm, trung hạn và dài hạn. Các địa phương thống nhất những nội dung liên kết, lập danh mục đề xuất các dự án, đề án ưu tiên phát triển tại địa phương trong từng giai đoạn.

Trong trường hợp có mâu thuẫn về lợi ích giữa các địa phương hay các chủ thể tham gia liên kết thì lợi ích tổng thể của vùng được sử dụng làm tiêu chí quan trọng nhất để Ban chỉ đạo đưa ra quyết định cuối cùng hoặc thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng liên kết vùng không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng đối với thị trường trong nước mà phải vươn ra cả thị trường thế giới.

Để làm được những nội dung trên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cấp quốc gia cần có những quy định bằng nghị định của Chính phủ hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định vấn đề liên kết phù hợp với yêu cầu của cả nước, đặc điểm từng vùng, lựa chọn sản phẩm khác nhau. Đối với cấp địa phương thì Nhà nước khuyến khích có các thỏa thuận quy chế liên kết và thực hiện quy chế chung của cả nước về liên kết vùng.

Các Ban chỉ đạo, bộ, ngành và địa phương cần chọn một số nội dung để tập trung chỉ đạo như vấn đề quy hoạch, xây dựng hạ tầng, xây nông thôn mới, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Thành Chung (Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn