Nói suông, nông dân sẽ không tin, không làm theo
Cập nhật ngày: 10/10/2013 05:03:14
Cần thiết liên kết sản xuất và tiêu thụ để gia tăng giá trị nông sản, nhưng muốn phát triển được các liên kết, phải tạo niềm tin.
Liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước là một trong nhiều giải pháp then chốt được đề ra cho tái cơ cấu nông nghiệ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Song, thực tế triển khai các mối liên kết này tại một số địa phương vẫn bị vướng vì giữa các bên chưa tạo được niềm tin với nhau.
Doanh nghiệp và nông dân hợp tác phải chân thành
Ông Tôn Long Phiến, một nông dân ở Ấp An Lương, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, An Giang, cho biết: “Có doanh nghiệp tìm đến liên kết với nông dân, nhưng tụi tôi còn ngại. Vì một số bà con làm rồi, nhưng hay bị công ty chê lúa không đạt chất lượng rồi mua giá thấp, thậm chí không cân nữa”.
Nông dân và doanh nghiệp liên kết chân thành sẽ góp phần gia tăng giá trị nông sản (Ảnh: Agroviet)
Ông Phiến cho biết thêm: “Có công ty vào mua theo giá thị trường, lại hỗ trợ phí sấy khô lúa cho bà con. Nhưng đa số bà con vẫn e dè vì lúa tươi nhập vào kho, sấy xong, còn bao nhiêu lúa khô chỉ có người sấy biết. Cả cái cân điện tử, nhiệt kế đo độ ẩm của lúa... bà con cũng không tin. Thành ra, ít nông dân liên kết với doanh nghiệp”.
Mặc dù đa số bà con đều biết rằng, nếu liên kết với doanh nghiệp sẽ tốt ở chỗ được đầu tư, đỡ vay nợ, lại yên tâm vì được thu mua hàng. Nhưng “nếu sự cố, vẫn chưa có ai trọng tài, nông dân vẫn thiệt nhất”- ông Phiến nói.
Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, cho rằng “nếu 2 bên thực tình muốn làm ăn với nhau, doanh nghiệp cần một vùng nguyên liệu ổn định để xây dựng thương hiệu thì tìm hiểu nông dân để có người đáp ứng. Còn nông dân ban đầu e ngại, nhưng nếu thấy doanh nghiệp hợp tác chân thành, họ sẽ ký hợp đồng”.
Những sự cố xảy ra gây mất niềm tin giữa nông dân và doanh nghiệp chủ yếu do nông dân ở ngoài tổ chức, đứng ngoài liên kết thực sự, còn người đã có hợp đồng thì hợp đồng đó phải đem đến UBND xã xác nhận. Khi đó, xảy ra tranh chấp, xã sẽ chịu trách nhiệm hòa giải.
Vì trên thực tế, ông Phả phân tích: Có những nông dân ký hợp đồng rồi, nhưng mùa sau lại muốn làm “du kích”, thích tự do bán hàng cho thương lái nên tự ý chấm dứt hợp đồng, trong khi đó lại vẫn có người khác “nhảy vào” liên kết. Tất nhiên, “tâm lý nông dân vậy cũng là thường, nhưng người vào nhiều hơn người ra. Số người ký hợp đồng với các doanh nghiệp càng ngày càng tăng. Hợp đồng giữa hai bên cũng được bàn thảo rất nhiều nhưng sẽ đi theo xu hướng tăng chất lượng, tăng giá trị”.
Dẫn ví dụ thực tế, ông Phả kể: Có trường hợp nông dân ký hợp đồng với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Công ty có cân điện tử, mỗi lần cân 400-500kg. Người dân e ngại cân này có đúng hay không? Nông dân thích cân đồng hồ, khoảng 4 - 5 bao thóc/lần cân. Vì thế, Công ty đã phải làm so sánh cho thấy 2 loại cân này như nhau. Từ đó, nông dân đã tin tưởng. Nhờ thế mà diện tích ký hợp đồng của Công ty này với nông dân ngày càng mở rộng.
Còn ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Long An đề nghị: Nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ, phải chấp nhận bán cho thị trường tự do, còn tham gia vào quy trình sản xuất quy mô lớn, có liên kết sẽ có thể tiêu thụ lớn. Việc này cần có trọng tài là cơ quan quản lý nhà nước. Nếu để nông dân sản xuất tự đứng ra và gắn kết với nhau là chuyện khó. Còn doanh nghiệp dù được giao nhiệm vụ thu mua không thể đi từng ruộng để mua, đương nhiên hình thành hệ thống thương lái.
Do đó, cần có chính sách hỗ trợ về vật tư, thiết bị đầu vào cho người nông dân để họ so sánh giữa người tham gia liên kết, sản xuất lớn có lợi gì so với những người sản xuất nhỏ lẻ. Vì người nông dân mắt thấy, tai nghe, tay sờ được hiệu quả cụ thể thì sẽ nghe và làm theo chỉ dẫn.
Nói suông, nông dân sẽ không tin
Theo TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nhiều nơi có tình trạng xã đưa ra lời khuyên, rồi nhà khoa học cũng khuyên nên làm giống này, hay giống khác, nhưng nông dân vẫn không tin và tự họ chọn làm giống khác. Đó là do cách tiếp cận khuyến cáo chưa phù hợp.
Vì theo TS Đào Thế Anh, “nông dân hiện đã nhiều kinh nghiệm, nếu cán bộ hướng dẫn chỉ nói suông rằng thị trường tốt lắm hoặc làm giống này, giống kia sẽ tốt, họ không tin. Bản thân nông dân cũng đã có kinh nghiệm cả về sự thất bại rồi”.
Có cách tiếp cận đã thành công ở nhiều nơi mà TS Đào Thế Anh và các cộng sự đã thực hiện. Đó là phải chứng minh cho nông dân tin mình nói đúng. TS Đào Thế Anh chỉ rõ: Nông dân Việt Nam đã có kinh nghiệm sản xuất rất tốt, nhưng kinh nghiệm tiếp cận thị trường và hợp tác sản xuất, kinh doanh còn yếu. Phải giúp nông dân thúc đẩy hợp tác để bán sản phẩm, còn nếu cứ làm riêng lẻ thì rất khó thành công.
Việc đầu tiên làm giúp nông dân tiếp cận thị trường, theo TS Đào Thế Anh, là đưa sản phẩm của họ đi tiếp cận thị trường. Tức là không chỉ đi điều tra suông mà phải đem sản phẩm theo cho khách hàng dùng thử.
Cách mà TS Đào Thế Anh và các cộng sự gây dựng niềm tin với người dân là, thay vì chỉ nói suông, đã có nghiên cứu cụ thể và cung cấp thông tin có cơ sở rõ ràng. Đó là “tổ chức những hội nghị thử - nếm tại Hà Nội. Tại hội nghị này, nông dân tham gia để tự chứng kiến khách hàng thử - nếm sản phẩm của mình. Thông qua đó, hỗ trợ nông dân tự làm maketing, tiếp cận thị trường. Chính nông dân là người hiểu biết sâu về giống, về sản phẩm của mình nên họ giới thiệu rất sôi nổi, dễ hiểu. Khi đó, người tiêu dùng đã tin nguồn gốc sản phẩm và có trường hợp quyết định đặt hàng ngay.
Như vậy, người tiêu dùng thành phố và nông dân tiếp xúc trực tiếp với nhau, trao đổi với nhau. Sau những buổi trao đổi như thế, nông dân rất tin tưởng nhà khoa học, nắm bắt nhu cầu thực của thị trường. Các doanh nghiệp chứng kiến tại hội nghị này cũng sẵn sàng đặt hàng. Cách làm này đã được TS Đào Thế Anh và cộng sự áp dụng thành công với sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của Hải Dương, thịt bò của người Mông ở Cao Bằng…
Sở dĩ thực hiện cách nêu trên có hiệu quả, theo TS Đào Thế Anh, là vì “thực tế trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp là hàng giả, nhái. Người tiêu dùng rất nhạy cảm với các tên sản phẩm nổi tiếng, chẳng hạn vải thiều Thanh Hà, gạo Tám Xoan Hải Hậu… Nhưng đi tìm sản phẩm thật 100% thực sự khó, vì đi chợ mà hỏi theo tên như thế, người bán nào họ cũng nói hàng của họ chính là hàng xịn, nhưng thực chất chưa chắc”.
Thực trạng này, “do các sản phẩm nông sản ở nước ta chưa quản lý được chặt chẽ nên không dễ phân biệt giả - thật. Chính tình trạng này lại gây mất lòng tin ở người tiêu dùng, người sản xuất cũng mất lòng tin. Như thế hai bên không hợp tác với nhau. Cho nên, cần tăng cường cả năng lực sản xuất và năng lực kinh doanh cho nông dân”- TS Đào Thế Anh nhấn mạnh./.
Xuân Thân/VOV