Nông dân cho thuê đất: Mô hình được khuyến khích
Cập nhật ngày: 23/11/2013 04:52:36
Nông dân cho thuê đất rồi làm thuê trên chính mảnh ruộng của mình được luật pháp cho phép nhưng không khuyến khích chuyển nhượng.
Nền nông nghiệp nước ta thời gian qua có vị trí, vai trò quyết định tạo sự phát triển đất nước và tạo sự phát triển bền vững, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Tuy nhiên ai cũng thấy rằng, nông nghiệp nước ta đang đứng trước thử thách rất lớn mà nguy cơ là chững lại. Từ một ngành kinh tế có động lực mạnh trở thành một vấn đề liên quan đến bài toán phát triển đất nước.
Tình trạng nông dân bỏ ruộng, chán ruộng, sản phẩm nông nghiệp không có nhiều giá trị gia tăng… là chủ đề nóng được thảo luận trong nhiều phiên họp của Quốc hội.
Làm thế nào để nâng cao giá trị nông sản để gia tăng xuất khẩu, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên trường quốc tế... đang là bài toán khó với ngành nông nghiệp. Trong khi, đầu tư cho nông nghiệp, theo Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, những năm qua có xu hướng giảm.
Kinh tế hộ đã vượt đỉnh
Đảng, Nhà nước ta trong mấy chục năm qua rất tập trung chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò đặc biệt nông nghiệp. Tuy nhiên giữa nỗ lực đó với hiệu quả mang lại chưa tương xứng. Trước thực tế này, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay làm sao phải đưa được khoa học công nghệ vào sản xuất, đưa thị trường, quan hệ thị trường đi vào mô hình tổ chức sản xuất.
“Tôi nhớ năm 1981 khi dược sĩ Tikolov sang Việt Nam nghiên cứu về chăn nuôi đã nói một câu rất hài hước: "Nuôi lợn muốn lấy thịt thì phải cho ăn ngô, muốn lấy phân thì cho ăn bèo hoa dâu”. Không biết Việt Nam nuôi lợn để lấy thịt hay lấy phân?” – Đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu dẫn chứng, thập niên 50 của thế kỷ trước, Ấn Độ nổi tiếng bằng cuộc cách mạng xanh thực chất là đưa phân vô cơ vào sản xuất, nhưng không là gì so với thời đại ngày nay đưa vấn đề công nghệ sinh học vào giống. Chúng ta chỉ cần so sánh giống của Việt Nam và Thái Lan thì thấy tụt hậu cỡ nào.
Về chăn nuôi, thức ăn gia súc chúng ta đang kiểm soát đến đâu hay bỏ ngỏ thị trường? Chúng ta không tập trung sản xuất để phát triển nắm chắc về thức ăn gia súc. Nếu không có chính sách mạnh để giải quyết hai bài toán này thì chúng ta không thể tái cơ cấu về nông nghiệp phát triển bền vững trong hội nhập. Phát triển nông nghiệp của ta chủ yếu là kinh tế hộ. Đây đã từng là chiếc đũa thần để quyết bài toán về nông nghiệp nhưng đã đến đỉnh.
Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị, về quy mô sản xuất, chúng ta nên mở rộng các trang trại theo hình thức chủ trang trại thuê đất của nông dân nhiều hơn là tích tụ sở hữu đất. Đây là mô hình Bắc Âu.
Từ mô hình này, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất, nếu anh thuê đất nông dân thì miễn thuế hoàn toàn và khuyến khích, còn nếu anh mua đất chuyển nhượng để tích tụ là đánh thuế. Làm như vậy để người nông dân có thể chuyển từ người làm chủ miếng đất nhỏ trở thành người làm thuê nhưng vẫn là người chủ của miếng đất đang có. “Đây là mô hình rất thành công và tôi biết Bắc Âu 70% các trang trại lớn đều thuê đất của nông dân với chính sách khuyến khích của nhà nước” – đại biểu nhấn mạnh.
Để giải quyết bài toán tín dụng và thị trường nông sản, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, vai trò của chính quyền rất quan trọng. Làm sao tại mỗi địa bàn phải tìm được những “lão nông chi điền”, những con sếu đầu đàn đứng lên tập hợp lực lượng. Làm như vậy để giải quyết bài toán tín dụng và giải quyết bài toán thị trường.
Liên quan đến chế biến nông sản đã được nêu trong đề án Chính phủ, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nông nghiệp Việt Nam, đời sống nông dân không thể cải thiện nếu như chúng ta không nâng được giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Đại biểu đề nghị cần có ưu đãi hoàn toàn cho tất cả nhà máy chế biến nông sản dùng 100% nguyên liệu trong nước để nâng giá trị gia tăng tăng lên. Tất nhiên ưu đãi này có thời hạn chứ không vĩnh viễn”.
“Đây là con đường phải làm để chúng ta phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Vấn đề này nằm ngoài khả năng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp mà là trách nhiệm về chính sách và phát triển. Nếu chúng ta không làm việc này, không hình thành những cứ điểm sản xuất trong nông nghiệp, không tạo điều kiện thì nông dân không thể làm giàu, không thể sống bằng nghề nông nghiệp được” – Đại biểu Du Lịch nhấn mạnh.
Với mô hình nông dân cho thuê đất, gom lại để sản xuất qui mô lớn hơn như đại biểu Trần Du Lịch nêu, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: Về luật pháp nước ta cho phép điều đó và trên thực tế cũng đã có những mô hình như vậy. Ví dụ, mô hình nông dân góp đất để trồng cao su ở Tây Bắc đang vận hành khá tốt. “Tôi ủng hộ mô hình này. Nhưng tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và tổng kết để xây dựng thành những chính sách cụ thể hơn, áp dụng trên diện rộng hơn” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Phải phục hồi đà tăng trưởng nông nghiệp
Sau các phân tích của Đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Từ nay đến 2015, trong 2 năm 2014, 2015 phải phục hồi lại đà tăng trưởng của GDP trong ngành nông nghiệp, vì đang có dấu hiệu giảm. Cùng với đó là huy động mọi nguồn lực quy hoạch, kế hoạch một cách căn cơ để xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư đoàn kết, khu dân cư văn hóa.. cải thiện đời sống nông thôn.
Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách toàn diện, cả ngành trồng trọt, đặc biệt là cây lúa. Đối với những cây gắn với vùng thiên nhiên như cây cao su, cây cà phê cũng phải quy hoạch, tính toán, rà soát lại để có những biện pháp bảo đảm an toàn.
Đối với cá ba sa và cá da trơn, đã có kế hoạch đưa vào sản phẩm quốc gia nên cần biện pháp, chính sách để lo cho được việc này.
Trong tái cơ cấu, chú ý tới việc tái cơ cấu từ sản xuất trên cánh đồng tới chế biến, thị trường tiêu thụ để đảm bảo liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ làm lời cho sản phẩm nông nghiệp và trở thành một chuỗi liên kết gắn kết với ngân hàng.
Phải quan tâm đẩy mạnh việc xác định các sản phẩm quốc gia, các thương hiệu trong sản phẩm hàng hóa nông nghiệp để có thể tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp nước ta phát triển ra thị trường quốc tế. Đi theo đó là đào tạo nguồn nhân lực của nông thôn. Trong hai năm tới phải đưa cho được những kết quả ứng dụng của khoa học, công nghệ vào nông nghiệp từ giống, cây trồng, vật nuôi tới sản xuất, bảo quản và bao bì xuất khẩu.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành có một số chính sách cần thiết cho phép sự hỗ trợ của nhà nước, tác động của nhà nước để động viên khuyến khích ngành nông nghiệp và nông dân phát triển. Cụ thể là chính sách đối với doanh nghiệp về nông thôn, chính sách đất đai nông nghiệp, góp cổ phần của nông dân, góp đất, góp vốn./.
Vũ Hạnh/VOV