Phổ biến Hiến pháp phù hợp với từng đối tượng
Cập nhật ngày: 06/04/2014 06:16:34
Cần xác định rõ phương pháp phù hợp khi phổ biến, giới thiệu Hiến pháp cho từng đối tượng người dân, tùy theo trình độ, nhận thức pháp lý của họ. Từ đó, thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất nhiệm vụ được giao trong việc giới thiệu, phổ biến Hiến pháp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh VGP/Lê Sơn
Sáng 5/4, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên toàn quốc. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ trì Hội nghị.
Hội nghị đã nghe đại diện Viện Nghiên cứu lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tư pháp giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, hiện nay, việc tuyên truyền Hiến pháp được Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì xây dựng các bộ tài liệu quan trọng để tuyên truyền đến từng đối tượng. Việc tuyên truyền Hiến pháp phải giúp người nghe hiểu được mục đích, yêu cầu, quan điểm việc thi hành Hiến pháp.
Hiến pháp mới được xây dựng nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Hiến pháp năm 1992; thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới; hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm Hiến pháp là đạo luật gốc, có sự ổn định lâu dài.
Hiến pháp năm 2013 có nhiều nội dung đổi mới hết sức quan trọng, nhất là các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...
Đây là cơ sở hiến định quan trọng mở đường cho việc tiếp tục thực hiện cải cách và phát triển mọi mặt của đất nước, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp là hết sức quan trọng, nhằm đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống, phát huy các giá trị của Hiến pháp trong thực tiễn, đặc biệt là những điểm mới, tiến bộ trong các chương, điều của Hiến pháp; qua đó góp phần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Phó Thủ tướng mong muốn từ Hội nghị này, các tuyên truyền viên, báo cáo viên sẽ có được nhận thức toàn diện về nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đồng thời, xác định rõ phương pháp phù hợp khi phổ biến, giới thiệu Hiến pháp cho từng đối tượng người dân, tùy theo trình độ, nhận thức pháp lý của họ. Từ đó, thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất nhiệm vụ được giao trong việc giới thiệu, phổ biến Hiến pháp.
Đối với các báo cáo viên, tuyên truyền viên, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đổi mới phương pháp, cách làm trong quá trình tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp. “Chúng ta có 90 triệu dân, 54 dân tộc anh em, các kiều bào ở nước ngoài… bởi vậy, việc đổi mới phương pháp giới thiệu rất quan trọng. Chúng ta cần có cách giới thiệu cụ thể cho từng vùng, từng dân tộc, từng đối tượng, có như vậy Hiến pháp mới thực sự đi vào cuộc sống”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Lê Sơn (Chinhphu.vn)