Phòng, chống cúm A/H7N9: Tận dụng tối đa trang bị hiện có
Cập nhật ngày: 10/05/2013 13:56:31
Những đề xuất kinh phí phòng, chống dịch cúm A/H7N9 theo các tình huống giả định của Bộ Y tế chỉ là cơ sở để dự đoán và tính toán cho việc chuẩn bị huy động các nguồn lực, còn hiện tại, các địa phương, cơ sở y tế phải tận dụng tối đa trang bị hiện có cho công tác này.
PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: VGP/Hiền Minh
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đã khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ngày 9/5, cập nhật những thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, ngành y tế đã triển khai cũng như duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động các máy đo thân nhiệt từ xa, hệ thống xét nghiệm xác định vi rút; các trang thiết bị phục vụ cho công tác điều trị như máy thở, thiết bị cấp cứu đã được đầu tư từ trước.
Trong tháng 4, máy đo thân nhiệt từ xa của các cửa khẩu quốc tế đã giám sát 267.842 lượt khách nhập cảnh, trong đó có 90.654 lượt khách nhập cảnh từ Trung Quốc; đã xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi cúm, mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính để sàng lọc nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc cúm A/H7N9.
Những đơn vị y tế tại các khu vực và địa phương được yêu cầu quán triệt phương châm phòng dịch 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, nguồn lực tại chỗ, con người tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, công tác chuẩn bị như vậy mới chỉ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất trong tình huống dịch bùng phát và lan rộng tại Việt Nam.
Theo ông Trần Đắc Phu, nếu vi rút cúm A/H7N9 có khả năng lây truyền dễ dàng từ người sang người, thì khả năng xảy ra tình huống lây lan trên diện rộng có thể khiến 8-9 triệu người Việt Nam nhiễm bệnh (tương đương 10% dân số). Lúc đó toàn bộ hệ thống y tế sẽ bị quá tải, hoạt động giao lưu thương mại, các hoạt động xã hội có thể bị ngừng trệ gây xáo trộn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội của quốc gia, lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng đưa ra giả định.
Vì vậy, việc đề xuất kế hoạch dự phòng về nguồn lực và con người để ứng phó với mọi tình huống diễn biến phức tạp của dịch cần được chuẩn bị đầy đủ, để có thể ứng phó kịp thời cho mọi tình huống nếu xảy ra, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
4 tình huống dịch cúm A/H7N9 có thể xảy ra tại Việt Nam: - Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người. - Tình huống 2: Có ca bệnh nhưng chưa có sự lây truyền từ người sang người. - Tình huống 3: Có trường hợp ca bệnh lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc ca đơn lẻ. - Tình huống 4: Dịch bùng phát và lan rộng ra cộng đồng. |
Theo Hiền Minh/chinhphu.vn