Sắp phê duyệt Đề án về công khai, minh bạch thông tin về ngân hàng
Cập nhật ngày: 17/10/2012 15:26:00
Ngày 16/10 tại Hà Nội và ngày 19/10/2012 tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Thanh tra Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách “Doanh nghiệp và Thách thức phát triển bền vững”.
Ảnh minh họa
Công khai, minh bạch thông tin về hệ thống ngân hàng
Tại hội nghị diễn ra ở Hà Nội hôm qua (16/10), các ý kiến tập trung làm rõ tính minh bạch và nhất quán trong thực tiễn kinh doanh liên quan đến các lĩnh vực đất đai, tín dụng ngân hàng và thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng.
Trả lời báo chí về vấn đề công khai minh bạch thông tin trong hệ thống ngân hàng, ông Trương Ngọc Anh – Chánh văn phòng Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, các tổ chức tín dụng không chỉ liên quan tới doanh nghiệp, công ty cổ phần đại chúng mà còn liên quan đến toàn thể nhân dân. Cho nên các kết luận thanh tra sẽ công khai từng phần vì có những kết luận thanh tra công khai ra có thể làm sập đổ cả hệ thống. Đó là những vấn đề hết sức nhạy cảm, phải xem xét và làm thận trọng. Thậm chí những vấn đề liên quan đến yếu tố hình sự thì phải chờ cơ quan công an tiến hành những thủ tục tố tụng, Ngân hàng Nhà nước không thể tự ý đưa những vấn đề đó.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án công khai minh bạch thông tin đối với hệ thống ngân hàng để trình Chính phủ. Vụ Thanh tra Tổ chức tín dụng trong nước là đơn vị được giao thực hiện đề án này. Dự thảo đã được trình Thống đốc để báo cáo lên Thủ tướng. Hy vọng đề án sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013.
Về vấn đề được nêu ra là doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ưu đãi của ngân hàng, ông Trương Ngọc Anh cho rằng việc này phải xuất phát từ hai phía. Một mặt phía ngân hàng phải có nguồn vốn, mặt khác doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phải đáp ứng được các điều kiện đưa ra theo quy định của pháp luật. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp kêu ca khó tiếp cận vốn, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp này không đủ điều kiện để vay. Tất nhiên trong quá trình hoạt động còn có những tiêu cực - doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn được vay vốn. Trường hợp đó, bản thân ai vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Còn phía ngân hàng luôn yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các yêu cầu để đảm bảo sự an toàn cho chính họ, cũng là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện mà ngân hàng không cho vay thì doanh nghiệp nên phản ánh để Ngân hàng Nhà nước có biện pháp quyết liệt đối với các tổ chức tín dụng.
Định giá đất sai làm tăng nợ xấu
Chủ đề về quản lý đất đai và những chính sách liên quan đến đất đai, bất động sản cũng là chủ đề “nóng” tại hội nghị với nhiều câu hỏi liên quan đến đất lâm nghiệp, nông nghiệp, nông thôn. Nhấn mạnh cơ chế cạnh tranh bình đẳng, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho rằng các đối tượng kinh doanh cần có sự bình đẳng thật sự. Mọi đối tượng kinh doanh, sử dụng đất đai, đều phải được thanh tra, kiểm tra chặt chẽ.
Mặt khác, theo ông Trương Ngọc Anh, nhiều cán bộ thẩm định tài sản khi định giá đất không hẳn đánh giá dựa vào giá trị của đất mà lại căn cứ nhiều vào giá thị trường, mà giá thị trường ở Việt Nam quá cao so với thế giới. Đây cũng là một nguyên nhân góp phần khiến tình trạng nợ xấu tăng cao và tạo rủi ro cho hệ thống.
Theo ông Vũ Văn Chiến, Tổng biên tập Tạp chí Thanh tra, việc tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý với các doanh nghiệp là hết sức cần thiết nhằm đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách, pháp luật, kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật, trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, việc nâng cao tính minh bạch trong quan hệ kinh doanh sẽ giúp xã hội và nền kinh tế phát triển một cách lành mạnh, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế. Các doanh nghiệp cần phải minh bạch, không phải tìm cách “lách luật” để “làm những điều không cấm” và phải nâng cao cả trách nhiệm với xã hội, đây là xu hướng cần hướng tới để phát triển bền vững.
Hội nghị đối thoại chính sách được xem như là dịp để các cơ quan quản lý giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn, sâu hơn về chính sách, pháp luật, nhất là việc thực hiện công khai, minh bạch trong các lĩnh vực tín dụng – ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra và phòng chống tham nhũng.
Đặc biệt, hội nghị cũng là kênh thông tin để các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt những phản hồi từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung phù hợp về cơ chế, chính sách nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
ĐH (Theo Linh Linh-VnMedia)