Thủ tướng: "Mua lúa tạm trữ phải đảm bảo nông dân có lãi 30%"
Cập nhật ngày: 15/03/2014 16:47:04
Ngày 15/3, tại TP Cần Thơ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự hội nghị còn có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, TƯ và địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trao đổi bên lề hội nghị
Đề nghị Chính phủ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo
Theo dự báo của bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng gạo toàn cầu đến tháng 2/2014 ước đạt 471,5 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với niên vụ năm 2012-2013. Sản lượng gạo được dự báo đạt cao tại các khu vực: Đông Nam Á, Đông Á, vùng phụ xung quanh sa mạc Sa-ha-ra. Nguyên nhân chính là do diện tích gieo trồng tăng thêm 2,6 triệu ha trên toàn cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc, Mi-an-ma, Ấn Độ…
Trong đó, tiêu dùng gạo toàn cầu đạt 473,3 triệu tấn, tăng 1% so với niên vụ trước. Gạo tồn kho dự báo đạt 105 triệu tấn, giảm 1,8 triệu tấn so với niên vụ trước. Thương mại toàn cầu dự báo đạt khoảng 40,4 triệu tấn, tăng 2,1 triệu tấn so với năm trước. Thương mại gạo tăng cao chủ yếu do dự báo nhu cầu cao từ Trung Quốc và Tây Phi.
Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, tổng diện tích gieo sạ vụ đông xuân khu vực ĐBSCL năm 2013 – 2014 lên đến trên 1,604 triệu ha (hơn 3.200 ha so với vụ đông xuân 2012 – 2013). Năng suất bình quân dự kiến 6,83 tấn/ha có nơi đạt 10 tấn/ha; là một vụ đông xuân được mùa lớn. Sản lượng thóc dự kiến đạt gần 11 triệu tấn (tăng 34.147 tấn so với mùa vụ năm trước).
Riêng vụ đông xuân 2013 – 2014, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 8,55 triệu tấn thóc, tương đương 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa cần xuất khẩu hoặc tiêu thụ sang vùng khác. Tính đến ngày 10/3, diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch đạt khoảng 620.000 ha, với sản lượng 3,92 triệu tấn thóc.
Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2014, lúa đông xuân của nông dân tiêu thụ thuận lợi với giá có lợi cho nông dân và đến cuối tháng 2-2014 giá lúa tươi mua tại ruộng tăng hơn so với đầu tháng từ 100- 160 đồng/kg, dao động ở mức 5.200 - 5.300 đồng/kg đối với lúa thường và 5.400 – 5.800 đồng/kg lúa chất lượng cao. Nhưng từ đầu tháng 3-2014, giá lúa bắt đầu giảm mạnh tới 400- 500 đồng/kg, dao động ở mức 4.400 - 5.000 đồng/kg lúa thường và khoảng 4.500 – 5.300 đồng/kg lúa chất lượng cao.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nguồn vốn tín dụng bảo đảm sẵn sàng và đầy đủ để cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông xuân 2014 với số vốn dự kiến khoảng 7.500 - 8.000 tỷ đồng. Trước đó, thực hiện chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai cho các DN thu mua với tổng số tiền trên 14.820 tỷ đồng tương ứng với tổng khối lượng thu mua tạm trữ cả hai chương trình (dông xuân và hè thu) gần 2 triệu tấn quy gạo.
Theo tổng cục thống kê 2 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất 749 nghìn tấn gạo, trong đó lượng gạo xuất khẩu tháng 1 và 2/2014 của thành viên hiệp hội 638 nghìn tấn. lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp đến cuối tháng 2/2014 là 478 nghìn tấn. Trong bối cảnh đó tháng 3 và tháng 4/2014 sẽ là thời điểm tập trung thu hoạch lúa đông xuân với lượng gạo, hàng hóa khoảng 3,2 triệu tấn, cùng với lượng gạo tồn kho 478 nghìn tấn, tổng lượng gạo hàng hóa trong tháng 3 và tháng 4 khoảng 3,678 triệu tấn. Như vậy việc tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân ở ĐBSCL đang là vấn đề “nóng” đòi hỏi có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nếu quy ra lúa khô thì cộng thêm 1.000- 1.200 đồng/kg, như vậy nông dân vẫn có lãi. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát nguy cơ giá lúa sẽ tiếp tục giảm nên Bộ NN&PTNT kiến nghị chính phủ hỗ trợ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong tháng 3 và tháng 4 khi giá lúa sụt giảm; thời gian dự kiến từ: 15/3 đến 30/4, thời gian tạm trữ là 4 tháng. “Hỗ trợ mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế. Nhưng vẫn rất cần trong bối cảnh hiện nay. Điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều tỉnh đã tiếp tục xuống giống lúa hè thu – như Đồng Tháp đã xuống giống 30.000 ha… Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho khâu tiêu thụ lúa hàng hóa.” Ông Phát nói.
Sẽ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa
Tại hội nghị Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công thương và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cần quyết liệt mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường Trung Quốc chính ngạch và tiểu ngạch. Khuyến khích nông dân, tổ hợp tác, HTX tự bảo quản tạm trữ nếu có đủ điều kiện bảo quản liên kết với các doanh nghiệp để tạm gửi kho của doanh nghiệp chờ giá cả phù hợp.
Bộ này cũng cho biết họ đang gấp rút chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác chuyển đổi trên đất lúa vùng ĐBSCL. “Hiện nay, Bộ đang khẩn trương để chuyển 110.000 ha lúa hè thu sang cây trồng khác trong quý II/2014, trình thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa”- bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nói.
Còn Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu gạo từ đầu năm 2014 đến ngày 10-3-2014 đạt 753 ngàn tấn, trị giá FOB là trên 322 triệu đô la với giá FOB xuất khẩu bình quân 428,72 đô – la/tấn. Dự kiến trong quý I/2014, xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,2 triệu tấn và dự báo cả năm 2014 sẽ xuất khẩu 6,5- 7 triệu tấn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng cũng nêu ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy họat động xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL như phải có giải pháp về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo vào thị trường tập trung, tổ chức thực hiện quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và xây dựng lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết với nông dân.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường theo dõi tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều phối ứng phó linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; kịp thời báo cáo, kiến nghị rõ các biện pháp cần thiết, đồng thời các cơ quan liên quan phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, kịp thời thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo; đặc biệt cần hết sức tránh việc đưa các thông tin bất lợi, vì điều này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo của nước ta có thể bị ép giá, dẫn đến thua thiệt
Còn ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tình Đồng Tháp thì nêu quan điểm, “hiện tại vụ đông xuân đã thu hoạch 60%, nhưng giá lúa giảm 600 đồng/kg so với tháng 2. Hệ thống thương lái không tiêu thụ tạo tâm lý hoảng loạn. Các doanh nghiệp đang đầu tư khoảng 200 đến 300 tỷ đồng để đầu tư hệ thống kho. Chúng tôi đề nghị Bộ Công thương sớm ban hành lộ trình doanh nghiệp gắn với vùng nguyên liệu...”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chủ trương của Đảng, nhà nước, khẩn trương tái cơ cấu nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả, thu nhập của nông dân phải được cải thiện vì vậy phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất gắn với tiêu thụ. Khuyến khích tối đa doanh nghiệp vào địa bàn nông thôn nhằm thu mua cung ứng đầu vào, giải quyết đầu ra từ đó năng suất lao động sẽ được tăng lên. Chính phủ, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp đầu tư hạ tầng cho nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực. Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, đặc biệt ở nông thôn làm sao cho hiệu quả …
Ngoài ra Thủ tướng còn cho biết thêm: Những ý kiến của các bộ ngành, địa phương trong hội nghị, đề nghị văn phòng chính phủ tổng hợp trình lên Thủ tướng. Về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc giảm diện tích sản xuất cây lúa, chuyển sang trồng màu, chủ trương chung là đồng ý. Tuy nhiên khi chuyển đổi phải chọn sản phẩm gì cho phù hợp với vùng miền đảm bảo đầu ra. Việt Nam là nước đúng thứ 2 về xuất khẩu lúa gạo, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được thương hiệu về lúa gạo, vì vậy đề nghị các bộ ngành quan tâm mạnh tới vấn đề này. ĐBSCL phải đi đầu trong việc hỗ trợ, nhân rộng các mô hình hợp tác có hiệu quả.
Thủ tướng đã thống nhất ngày 15/3/2014 sẽ bắt đầu chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo, hỗ trợ 4 tháng với lãi suất trần 7%, luôn đảm bảo người dân có lời 30% …
Theo Phạm Tâm/Dân trí