Thực hư chuyện giá lúa chỉ bằng… giá rơm
Cập nhật ngày: 02/07/2013 10:02:56
Phóng viên thường trú tại ĐBSCL cho biết, tình hình không đến nỗi như vậy, nhưng nông dân ĐBSCL như ngồi trên lửa khi giá lúa tươi nhiều nơi chỉ còn 3.500 đồng/kg.
Thời điểm này, giá lúa tại các địa phương trong khu vực ĐBSCL vẫn chưa nhích lên sau hơn nửa tháng tiến hành đợt thu mua tạm trữ lúa gạo. Ở nhiều khu vực, giá lúa thậm chí còn giảm nhẹ so với trước khi tiến hành thu mua tạm trữ bởi thời tiết bất lợi, mưa dầm kéo dài, lúa bị đổ ngã, giảm năng suất. Chính sách thu mua tạm trữ vụ hè thu năm 2013 chưa mang lại hiệu quả cho người nông dân “vựa lúa”quốc gia.
Ảnh minh họa
Gánh nặng đang đè lên vai người nông dân
Tại một số địa phương tỉnh Đồng Tháp, lúa loại thường ở thời điểm gần cuối tháng 6 chỉ thu mua ở mức từ 3.600 đồng đến 3.700 đồng/kg; hạt dài có giá từ 4.200 - 4.400 đồng/kg. Mức giá này chỉ từ bằng đến thấp hơn so với thời điểm trước khi có chính sách thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, lúc này lúa thì đầy bồ mà thương lái chẳng thấy đâu. Lại một vụ sản xuất nữa người dân ĐBSCL phải đối mặt với khó khăn khi giá lúa giảm thê thảm; đồng thời với áp lực chi trả chi phí đầu vào buộc người dân phải bấm bụng bán lúa tươi tại ruộng với giá thấp.
Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp sản lượng lúa vụ hè thu này của tỉnh ước đạt gần 1 triệu 200 ngàn tấn. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch được trên 97% diện tích lúa hè thu, nhưng giá lúa vẫn chưa có dấu hiệu nhích lên. Mức lãi 30% có được như mong đợi đối với người nông dân tỉnh Đồng Tháp vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Có thể thấy rõ, đến nay chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo mà Chính phủ giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai đã qua 2 tuần thực hiện nhưng giá lúa vẫn đang chựng lại ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp cho biết do còn một lượng lớn lúa hàng hóa vụ đông xuân chưa tiêu thụ được nên việc mua thêm là việc “chẳng đặng đừng”.
Ông Đặng Văn Khương, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết: “Chỉ tiêu phân bổ đã triển khai cụ thể đến các xí nghiệp trực thuộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều khó khăn về đầu ra nên về chính sách thu mua tạm trữ chỉ giải quyết được ở mức thực tế, không hơn được.”
Tiếp xúc với nhiều nông dân trực tiếp sản xuất lúa ở vùng đồng bằng châu thổ, đa phần đều bày tỏ sự thất vọng với đợt tạm trữ lần này.
Ông Trần Văn Hưng, nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho rằng “người dân đã chịu rất nhiều chi phí cho vụ lúa nhưng giá cuối vụ thu hoạch quá thấp. Trong khi đó, chính sách thu mua tạm trữ không như kỳ vọng của người nông dân. Thua lỗ đang đè nặng lên vai nông dân”.
Qua việc Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) chậm triển khai mua tạm trữ như vụ đông xuân 2012-2013 vừa rồi và đến trước thời điểm triển khai tạm trữ vụ hè thu cho thấy, một lần nữa một đại bộ phận nông dân trong khu vực lại không được hưởng chính sách này. Không chỉ ở vụ hè thu này mà còn nhớ ở đợt mua tạm trữ một triệu tấn quy gạo vụ đông xuân trước, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân nhiều địa phương trong khu vực đã yêu cầu đưa chương trình tạm trữ lúa gạo về cho địa phương thực hiện.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn chủ động đưa ra nhiều “giải pháp” tạm trữ khác nhau như hỗ trợ cho người dân tạm trữ; phối hợp, huy động nguồn lực các doanh nghiệp ở tỉnh mạnh về cơ sở hạ tầng và kho bãi, các hợp tác xã trồng lúa, hệ thống kho của tỉnh… Tuy nhiên, cũng theo các địa phương, vướng mắc lớn nhất vẫn là đầu ra cho hạt gạo.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho rằng trong trường hợp địa phương tự tổ chức thu mua tạm trữ vẫn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với VFA để tìm đầu ra cho một lượng lớn lúa gạo bởi năng lực địa phương trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu là rất khó.
Cần đổi mới cơ chế thu mua tạm trữ lúa gạo ở ĐBSCL
Theo kế hoạch sản xuất vụ hè thu và sản lượng của vụ đông xuân vừa qua, thì trong thời gian tới, ĐBSCL cần tiêu thụ khoảng 6 triệu 500 ngàn tấn gạo. Nếu theo kế hoạch xuất khẩu bình quân 600 – 700 ngàn tấn 1 tháng, thì vẫn cần nâng mức tạm trữ vụ hè thu lên khoảng 1 triệu 500 ngàn tấn quy gạo mới có thể tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân.
Chính vì vậy, phần lớn các địa phương mong muốn VFA phối hợp với tỉnh, lựa chọn, phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp mà tỉnh thấy có đủ năng lực thật sự và ưu tiên cho các doanh nghiệp này xuất khẩu theo các hợp đồng tập trung chứ không làm theo kiểu “truyền thống”, tức là nhiệm vụ tạm trữ giao cho doanh nghiệp này nhưng xuất khẩu lại giao cho doanh nghiệp khác.
Đến thời điểm này mà nói, VFA vẫn tiếp tục giữ vai trò đầu mối trong điều hành thu mua tạm trữ lúa gạo. Tuy nhiên, nhiều địa phương trong vùng cho rằng VFA phải công khai minh bạch các thông tin về điểm thu mua, giá cả và gắn kết chặt chẽ với địa phương nhằm đảm bảo lợi nhuận chính đáng cho người trồng lúa.
Tại tỉnh Đồng Tháp, trước những khó khăn của người trồng lúa, UBND tỉnh đã chính thức có văn bản gửi Bộ NN và PTNT góp ý quy chế thu mua tạm trữ thóc, gạo tại ĐBSCL. Theo đó, Đồng Tháp đề nghị quy định thời gian thu mua tạm trữ tùy từng địa phương quyết định, không triển khai thu mua đồng loạt như hiện nay. Lý do là mỗi tỉnh có lịch thời vụ, thu hoạch khác nhau. Tỉnh nào thu hoạch thì tiến hành mua, khi đó nông dân mới được hưởng lợi.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn đề nghị đưa vào quy chế nội dung: “Doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu gạo thời hạn 5 năm; có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hoặc hợp đồng tiêu thụ lúa gạo trực tiếp với hợp tác xã, nông dân ở các cánh đồng mẫu lớn thì mới được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ”.
Một vấn đề cũng cần được phân tích, đó là năng lực của các doanh nghiệp tư nhân ở ĐBSCL tham gia trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đã bị hạn chế, dẫn đến suy yếu. Trong khi đó, vai trò chính trong việc mua tạm trữ lúa gạo hiện nay được Chính phủ giao cho các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Ở đây, đa phần đã có sẵn cơ sở vật chất, thị trường xuất khẩu và đặc biệt là giấy phép xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay cần phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Ông Dũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân đã chứng tỏ sự linh động của mình. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân ở các địa phương đã bị loại khỏi cuộc chơi vì quy định hạn chế số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Chính vì vậy, một khi các doanh nghiệp tư nhân được nhìn nhận nhiều hơn sẽ thúc đẩy họ tích cực tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa đầu ra cho hạt gạo. Qua đó, giảm bớt khó khăn cho người trồng lúa và tác động tích cực lên cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.
Hiện nay, vấn đề thu mua tạm trữ lúa gạo thật sự vẫn còn nhiều điều để tranh luận giữa các địa phương vùng ĐBSCL và Hiệp hội lương thực Việt Nam. Tuy nhiên, điệp khúc “trúng mùa, rớt giá”, thậm chí “mất mùa, rớt giá” đang là một thực tế diễn ra nhiều năm ở ĐBSCL. Một phép tính đơn giản cho thấy, nếu tính việc triển khai mua tạm trữ chậm mà điển hình như ở Đồng Tháp thì cứ 1 kg lúa nông dân mất 500 đồng, 1 tấn lúa mất 500.000 đồng. Chính vì vậy, việc thống nhất cơ chế tạm trữ lúa gạo hợp lý sẽ có tác động rất lớn đến cả sản xuất và xuất khẩu lúa gạo – một lợi thế so sánh của Việt Nam. Và ngay lúc này, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần ngồi lại để có lời giải căn cơ cho bài toán lúa gạo ở ĐBSCL để tránh tình trạng cứ mùa vụ đến các bên lại đổ lỗi cho nhau; trong khi nông dân thì cứ loay hoay với bài toán sản xuất và thị trường./.
Theo Thanh Tùng/VOV