Tổng Bí thư: Làm quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng

Cập nhật ngày: 07/12/2013 05:03:09

"Về phòng tham nhũng, đừng để xảy ra mà phải ngăn chặn trước. Về chống, BCĐ Trung ương phòng chống tham nhũng cũng đang làm quyết liệt"

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều nay (6/12), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội - đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của các cử tri.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ

Sau khi lắng nghe đại diện tổ đại biểu báo cáo một số kết quả của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua, cử tri quận Tây Hồ đánh giá cao kết quả kỳ họp. Theo nhiều cử tri đây là kỳ họp dài, các đại biểu Quốc hội đã làm việc hết sức nghiêm túc và hiệu quả, hoạt động của đoàn đại biểu thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới, chuyển tải, và giải quyết được nhiều ý kiến nguyện vọng của cử tri.

Cử tri Nguyễn Hồng Toán – phường Thụy Khê chia sẻ: “Các đồng chí đã quyết sách được nhiều vấn đề lớn của Đất nước. Nhân dân cả nước phấn khởi vì đất nước chúng ta làm tốt công tác đối ngoại, thứ hai là chất lượng của đại biểu Quốc hội khóa XIII lần này rất nhiều đại biểu tâm huyết trách nhiệm và có trình độ, phát biểu rất sâu, đề cập đến nhiều vấn đề như Dự thảo Hiến pháp, hay vấn đề kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.”

Cử tri quận Tây Hồ cũng thẳng thắn trao đổi với các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về những vấn đề lớn trong chương trình nghị sự của kỳ họp vừa qua. Một số cử tri bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về những vấn đề “nóng”, liên quan đến đời sống của người dân như chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, vấn đề tham nhũng và lãng phí; đặc biệt là vẫn còn những vụ án oan sai, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Cử tri kiến nghị, Quốc hội cần phản ảnh đến các cơ quan chức năng giải quyết triệt để vấn đề khiếu kiện kéo dài của người dân trong thời gian qua, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính trong việc tiếp công dân.

Về cơ chế chính sách cho người có công với cách mạng, cử tri Nguyễn Kinh Thành – Phường Yên Phụ kiến nghị: “Công an công tác 20 năm liên tục thì được hưởng trợ cấp hằng tháng, còn lực lượng nghỉ năm 1976 đã đóng bảo hiểm trên 20 năm lại không được hưởng. Tôi đề nghị đồng chí Tổng Bí thư nên có giải pháp để đảm bảo sự công bằng trong xã hội” .

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, đúng đắn của cử tri trong việc đóng góp, đề cập nhiều vấn đề lớn của đất nước và cả những vấn đề thiết thực đối với đời sống hằng ngày của nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng, lâu dài của đất nước, đặc biệt là kết quả gần 100% tổng số đại biểu Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi 1992 với nhiều quy định cụ thể liên quan đến chế độ chính trị, kinh tế an ninh quốc phòng của đất nước. Cùng với việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc, điều này thể hiện thành quả đối ngoại hết sức quan trọng của nước ta, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng. Về vấn đề phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng: Khối lượng công việc thời gian tới, và những việc cần làm là rất lớn, phải kiên trì thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xung quanh việc phòng và chống tham nhũng, về vấn đề phòng là đừng để xảy ra mà phải ngăn chặn và răn đe trước, phải có luật pháp, bố trí cán bộ, các cơ quan kiểm tra thanh tra thường xuyên. Và hiện nay, Chính phủ làm tiếp cụ thể hóa việc kê khai tài sản, quy định trách nhiệm của người đứng đầu… Về chống, vừa qua Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng cũng đang làm quyết liệt...".

Giải đáp thêm thắc mắc của các cử tri về việc khiếu kiện kéo dài liên quan đến vấn đề đất đai giải phóng mặt bằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là thực tế buồn. Trong thực tế đây là vấn đề đã tích tụ từ lâu, cần giải quyết triệt để. Tuy nhiên, đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, vì vậy sẽ có những việc giải quyết được ngay nhưng cũng có nhiều việc phải chờ sự thay đổi của cơ chế chính sách. Việc Quốc hội đã thông qua Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này sẽ góp phần khắc phục những bất cập trong lĩnh vực đất đai. Tổng bí thư khẳng định: Đảng, Nhà nước và Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe, chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của người dân./.

Văn Hiếu/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn