Vi phạm luật giao thông có thể bị hạ danh hiệu thi đua
Cập nhật ngày: 22/12/2013 06:11:29
Theo dự thảo lần 4 Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2010 của Bộ Công an về việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhiều hành vi vi phạm sẽ phải gửi thông báo về nơi cư trú, cơ quan làm việc để xem xét thi đua, bình xét vào cuối năm.
Cơ quan chủ trì soạn thảo - Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII), Bộ Công an cho biết việc sửa đổi Thông tư 38 nhằm phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 và đảm bảo tính răn đe trong xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 38, có tới cả chục lỗi vi phạm thuộc diện phải gửi thông báo về nơi cư trú: không có giấy phép điều khiển phương tiện hoặc có nhưng giấy phép đó không phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn (hôi của); chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Ngoài ra những người vi phạm hành chính tới mức bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu, bằng và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ có thời hạn cũng sẽ nhận được văn bản thông báo vi phạm của lực lượng công an.
Theo dự thảo, người vi phạm sẽ bị lập biên bản với đầy đủ thông tin về địa chỉ cư trú (số nhà, đường phố, thôn, ấp, xã, phường, thị trấn, quận, huyện,…), đơn vị công tác, học tập.
Để đảm bảo hiệu quả của bản thông báo, dự thảo nhấn mạnh: khi nhận được thông báo vi phạm, công an xã/ phường/ thị trấn có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản… nơi cư trú của người vi phạm, nơi tổ chức đặt trụ sở làm việc hoặc đến cơ quan, đơn vị, trường học để nhắc nhở, giáo dục. Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm theo địa chỉ ghi trong thông báo vi phạm thì chuyển trả lại thông báo đó cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm. Đồng thời cơ quan công an phải báo cáo UBND xã/ phường/ thị trấn về các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trên địa bàn; đề xuất UBND xã/ phường/ thị trấn chỉ đạo tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trường học nhắc nhở, giáo dục đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm.
Các cơ quan này phải xác định rõ việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đó sẽ là tiêu chí để bình xét thi đua trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và là một tiêu chuẩn đánh giá đạo đức, hạnh kiểm cuối năm của học sinh, sinh viên.
Tổng cục VII cho biết, qua gần 3 năm thực hiện Thông tư 38/2010/BCA, công an các địa phương đã gửi hơn 1,5 triệu thông báo vi phạm đến công an cấp xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập để theo dõi giáo dục. Tổng cục VII nhận định việc gửi thông báo vi phạm giao thông đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân. Vì vậy, trong lần sửa đổi Thông tư 38, Tổng cục VII tiếp tục đề nghị quy định cho phép hằng tuần Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, công an các tỉnh, thành phố được lập danh sách các trường hợp vi phạm giao thông thuộc diện phải gửi thông báo (bằng văn bản hoặc thư điện tử) để “điểm danh” trên báo, đài truyền hình, truyền thanh địa phương.
Thái Sơn - Thế Văn (TNO)