Xây dựng quy chế liên kết vùng ĐBSCL
Cập nhật ngày: 17/07/2013 17:32:20
Liên kết vùng ĐBSCL nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng, của mỗi địa phương trong vùng, đồng thời không làm triệt tiêu sức mạnh của nhau.
Bên cạnh đó, liên kết giữa các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn nhằm hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; đảm bảo sự quản lý thống nhất toàn vùng, đồng bộ, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị thảo luận
quy chế liên kết vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Chiều 17/,7 tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL sẽ thảo luận quy chế liên kết vùng. Hội nghị do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì.
Thực tế phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL đã khẳng định, liên kết vùng là cần thiết nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của cả vùng, của mỗi địa phương trong vùng, đồng thời không làm triệt tiêu sức mạnh của nhau.
Liên kết vùng đã được đề cập từ lâu, song chưa có những quy định, chế tài, cơ chế, chính sách cụ thể. Ngay cả với những mối liên kết mang tính tự nguyện, vẫn cần thiết phải có quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi, điều tiết giữa các địa phương. Phát biểu định hướng thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng liên kết vùng là nội dung không mới, nhưng để thực hiện bằng những quy chế cụ thể thì vẫn thiếu những quy định cụ thể, đầy đủ, hoàn thiện.
Với mục tiêu là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng một cách bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các đại biểu xuất phát từ thực tiễn của địa phương, ngành để kiến nghị, thảo luận những cơ chế cùng thực hiện.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần phân tích, làm rõ những hạn chế gắn với liên kết vùng trong quá trình triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phân tích nguyên nhân cụ thể, từ đó khẳng định vai trò của liên kết vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ làm rõ phạm vi, nội dung, một số cơ chế, chính sách để thực hiện liên kết, cơ chế triển khai cụ thể …
Mặc dù không dễ để có ngay một bộ quy chế hoàn thiện, nhưng trước mắt sẽ dần thực hiện từng bước, hoặc nghiên cứu thực hiện thí điểm, chọn địa bàn để rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Theo Chinhphu.vn