Hình tượng người thầy trong thơ, nhạc
Cập nhật ngày: 03/12/2014 13:23:16
Tục ngữ Việt Nam có câu “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” như một minh chứng cho truyền thống tôn sư trọng đạo - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Người thầy không chỉ là người truyền đạt tri thức, thắp lên ngọn lửa về ước mơ, niềm tin và hy vọng mà còn là tấm gương sáng cho bao thế hệ học trò noi theo. Bởi thế mà đã có biết bao bài thơ, lời hát viết về hình tượng người thầy.
Trước hết là những thầy, cô giáo của ngày đầu tiên đi học: “Em mắt ướt nhạt nhòa/Cô vỗ về an ủi/Chao ôi sao thiết tha” (Nguyễn Ngọc Thiện). Ở đó hình ảnh và tình yêu thương của cô có khác gì tình yêu thương của mẹ, để trong ánh mắt hồn nhiên tuổi nhỏ có lúc cô giáo chính là những cô tiên hiền dịu.
Rồi những ngày đầu tiên tập viết, bàn tay nhỏ xíu xinh xinh giữa lòng tay cô ấm áp, nét chữ run run thành hình, cô hiểu nét chữ nết người nên cẩn thận sửa nét, chỉ cách cầm phấn, cầm viết cho từng em một: “Xiêu nghiêng nét chữ dại khờ/Tay cô cầm ấm đến giờ lòng em/Vở ngày thơ ấu lần xem/Tình cô như mẹ biết đem sánh gì” (Nhớ cô giáo làng - Nguyễn Văn Thiên).
Bảng đen, phấn trắng, những đêm dài miệt mài bên trang giáo án đã trở thành những hình ảnh quen thuộc gắn liền với hình tượng người thầy. Người học trò trong bài hát “Bụi phấn” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu không chỉ nhận ra bụi phấn đang rơi trên bục giảng, trên tóc thầy mà còn nhận ra mình yêu tha thiết những năm tháng học trò, trân trọng từng khoảnh khắc được nghe lời thầy giảng. Nhà thơ Phi Tuyết Ba lại mang đến một cảm nhận sâu sắc về dòng trôi của thời gian qua đời thầy ở bài thơ “Vùng phấn bay”: “Bao nhiêu viên phấn đã mòn/Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung/Nước trôi về xứ vô cùng/Thương thầy ở lại một vùng phấn bay”.
Trong mắt học trò, nhiều lúc thầy cô không chỉ là cha, là mẹ, là thầy mà là người nghệ sĩ trên bục giảng, lời dạy của thầy cũng chính là lời ru: “Thầy không ru đủ nghìn câu/Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời/Tuổi thơ em có một thời/Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm” (Lời ru của thầy - Đoàn Vị Thượng). Bài giảng của thầy đưa em ngược về quá khứ, đi đến tương lai, mở ra những chân trời mới, một góc quê nhà: “Em nghe thầy đọc bao ngày/Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quê nhà/Mái chèo nghe vọng sông xa/Êm êm như tiếng của bà năm xưa/Nghe trăng thuở động tàu dừa/Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời” (Nghe thầy đọc thơ - Trần Đăng Khoa).
Có một thời đất nước đạn bom, những người thầy theo tiếng gọi non sông xếp lại trang giáo án lên đường. Chiến tranh đi qua, thầy lại trở về với nụ cười vẹn nguyên, tin tưởng như xưa “Nhưng một bàn chân không còn nữa”, nó đã hóa thân thành dấu nạng gỗ: “In lên cổng trường những chiều giá buốt/In lên cổng trường những đêm mưa dầm/Dấu nạng hai bên như hai hang lỗ đáo/Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo/Như nhận ra cái chưa hoàn hảo/Của cả cuộc đời mình” (Bàn chân thầy giáo - Trần Đăng Khoa).
Và suốt dọc thời bình, những người thầy vẫn miệt mài làm người ươm hạt, người đưa đò thầm lặng. Bao nhiêu thế hệ học trò đã cặp bến bờ tri thức, mang theo một lòng tri ân vô hạn. Riêng người thầy vẫn tự nhủ con đường mình đang đi vẫn còn xa, xa lắm: “Con đò mộc - mái đầu sương/Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày/Khúc sông ấy vẫn còn đây/Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông... (Người lái đò - Thảo Nguyên).
Người thầy sẽ mãi là hình tượng đẹp trong thơ ca và âm nhạc, bởi lẽ ai đã từng đi qua những năm tháng học trò cũng đều muốn đọc lên, hát lên những bài thơ, những lời ca của lòng biết ơn chân thành: “Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi; nhưng ngàn năm, làm sao em đếm hết công ơn người thầy” (Người thầy - Nguyễn Nhất Huy).
Nguyễn Ngọc Phương Nam