Phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa
Cập nhật ngày: 13/06/2024 10:25:14
ĐTO - Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được các ngành có liên quan và địa phương trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Thông qua các hoạt động chống xuống cấp, trùng tu, quy hoạch, tôn tạo nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phế tích Vương quốc Phù Nam tại Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (huyện Tháp Mười)
Về Di sản văn hóa vật thể trên địa bàn tỉnh, Địa điểm tập kết ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh (Phường 6, TP Cao Lãnh) được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia và 2 Di tích cấp tỉnh gồm: đình Hội An Đông, đình Long Hưng A (huyện Lấp Vò), nâng tổng số hơn 100 di tích được xếp hạng (Quốc gia đặc biệt, cấp Quốc gia, cấp tỉnh). Ngành chức năng tỉnh tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp. Tiếp tục đầu tư xây dựng, quy hoạch, tu bổ, nâng cấp các công trình văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa. Đặc biệt là các di tích được xếp hạng: Bia tưởng niệm rạch Cái Dứa (huyện Lấp Vò), nhà trưng bày Xứ ủy Nam bộ và Văn hóa Óc Eo (huyện Tháp Mười), Biểu tượng - Bia lưu niệm tại Khu di tích Xẻo Quít (huyện Cao Lãnh). Đồng thời phối hợp UBND huyện, thành phố thực hiện dự án tu bổ di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (huyện Lấp Vò), đình Tân Hội giai đoạn 2 (TP Hồng Ngự), nhà Hương Hội (xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành)... góp phần giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, con người Đồng Tháp.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), trên cơ sở Quyết định số 1230 ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 45 ngày 9/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phương án bổ sung danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 do tỉnh quản lý và phân bổ. Bên cạnh đó, kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn tại cuộc họp nghe báo cáo trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Sở VH,TT&DL có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.
Hoạt động gói bánh tét, bánh ít truyền thống ngày Tết tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc (Ảnh: Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc)
Theo Sở VH,TT&DL, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận là Khu di tích Quốc gia vào năm 1992. Hiện trạng diện tích toàn Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là 8,873ha, các hạng mục công trình trong Khu di tích được đầu tư qua nhiều giai đoạn, đến nay có nhiều hạng mục công trình xuống cấp, cần được đầu tư tu bổ, tôn tạo để phục vụ tốt khách tham quan, du lịch. Hiện nay, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc phát huy rất tốt giá trị lịch sử, văn hóa và thu hút hơn 300.000 lượt khách tham quan mỗi năm và trở thành Khu du lịch tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thường xuyên đón tiếp các Đoàn khách lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến viếng, dâng hương. Chính vì thế, việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo nâng cấp Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc trong thời gian tới là cần thiết.
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc còn là một địa chỉ đỏ để tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ; là niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam, kết nối với các di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu tham quan, hoạt động trải nghiệm về nguồn của đồng bào cả nước và du khách quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Đồng Tháp.
DŨNG CHINH