​ Nguyễn Đình Tú: “Viết cho thiếu nhi là một thách thức”

Cập nhật ngày: 06/08/2016 16:29:13

Vốn được độc giả yêu thích ở lĩnh vực tiểu thuyết hình sự, nhà văn Nguyễn Đình Tú dấn thân vào con đường chinh phục bạn đọc nhí.


Nhà văn Nguyễn Đình Tú - Ảnh: Thành Duy

Nguyễn Đình Tú là một cây bút ăn khách hiện nay. Anh có 8 tiểu thuyết đã xuất bản, cùng 3 tập truyện ngắn. Một số tác phẩm của Nguyễn Đình Tú được chuyển thể thành phim, trong đó nổi bật nhất là Phiên bản (chuyển thể phim Hương Ga).

Nhắc tới Nguyễn Đình Tú là nhắc tới những câu chuyện dữ dội, khốc liệt, gai góc của cuộc sống với những vụ án ly kỳ, câu chuyện thời hậu chiến, những shock và sex…

Đang thỏa sức vẫy vùng trong cuộc chinh phục văn đàn với đối tượng độc giả lớn tuổi, Nguyễn Đình Tú bỗng ngoặt sang một hướng khác: viết cho thiếu nhi.

Bắt đầu viết cho độc giả nhỏ từ năm 2014, với tập truyện ngắn Ba nàng lính ngự lâm, sang 2015 Nguyễn Đình Tú có một quãng chuyển với tập truyện dành cho tuổi mới lớn: Thế gian màu gì. Tiểu thuyết Chú bé đeo ba lô màu đỏ vừa ra mắt hè này được bạn đọc nhỏ đón nhận.

Chú bé đeo ba lô màu đỏ là câu chuyện về Hưng - cậu bé mười tuổi, từ nhỏ đã sống cùng bố mà chưa biết mặt mẹ. Khi có biến cố xảy ra, cậu bước vào hành trình tìm kiếm mẹ. Hành trang mang theo là chiếc ba lô màu đỏ, cậu được đặt biệt danh là “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”.

Lên đường tìm mẹ, chú bé 10 tuổi Hưng không biết rằng phía trước cậu là một hành trình đầy bão tố. Cậu đi qua nhiều vùng đất, gặp bao người tốt kẻ xấu. Nhưng những biến cố không làm cậu buồn nản, mà giúp cậu trưởng thành hơn.

 
Các cuốn sách viết cho thiếu nhi của Nguyễn Đình Tú - Ảnh: Nho Quân

Nguyễn Đình Tú cho biết anh viết cho thiếu nhi từ một thách thức. Nhiều người cho rằng Nguyễn Đình Tú không thể viết cho độc giả nhỏ, không thể tưởng tượng được anh sẽ viết cho bạn đọc nhỏ tuổi. Chính điều đó đã kích thích nhà văn, bởi theo anh sáng tạo là một cuộc phiêu lưu.

Lý do để anh cầm bút viết còn xuất phát từ chính nhu cầu của đối tượng độc giả nhỏ. Nguyễn Đình Tú kể khi đưa con gái đi mua sách, anh cũng loay hoay tìm sách văn học trong nước cho con.

“Thiếu nhi là lứa độc giả đông đảo, đáng yêu, đáng phục vụ, nên mình thấy cần phải viết cho các em” - anh nói.

Động lực là vậy, nhưng khi bắt tay vào viết cho thiếu nhi, nhà văn gặp nhiều bỡ ngỡ. Trước đây, khi viết cho người lớn, Nguyễn Đình Tú thường đi tìm những phức tạp của cuộc sống để mổ xẻ, lý giải nó.

Câu chuyện, nhân vật, nhân sinh quan trong các tiểu thuyết của anh đều phức tạp, đa chiều. Cho tới khi viết cho bạn đọc nhỏ, nhà văn phải tìm cách đơn giản hóa câu chuyện.

Cho rằng viết lách là một hành trình, Nguyễn Đình Tú bảo sáng tác cho người lớn và sáng tác cho thiếu nhi trái nhau về lối đi.

“Tôi đang đi một lối đã quen, giờ đi lối này thì bỡ ngỡ, chưa thạo tay. Nhưng tôi xác định lối đi này chinh phục cánh rừng này, lối đi kia chinh phục dòng sông kia. Cái quan trọng là mình chinh phục cái gì thì chấp nhận lối đi đó, dù mịt mùng, chông gai, quen thuộc hay xa lạ”.

Để chinh phục bạn đọc nhỏ, Nguyễn Đình Tú dùng những phương thức khác nhau. Ở Ba nàng lính ngự lâm, anh đưa vào một liều lượng hài hước nhất định.

Nhà văn chia sẻ: “Viết sao cho tếu táo, vui vẻ không hề dễ. Nhưng hiện thực cứu mình. Từ câu chuyện mà con gái kể, tôi giữ lại hồn cốt vui vẻ đó rồi đưa vào trang sách”.

Đến tiểu thuyết Chú bé đeo ba lô màu đỏ, tác giả quay lại thế mạnh của mình, là viết về nỗi buồn. Nhà văn muốn viết một tiểu thuyết thiếu nhi mang hơi hướng cổ điển, như những Không gia đình, Hoàng tử bé, Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Đất rừng phương Nam…

“Khi viết, tôi hướng tác phảm tới sự ám ảnh, tràn ngập lòng nhân ái và phảng phất buồn. Chỉ một chút buồn thôi, cái buồn đủ để lên men, giúp các em đọc xong có thể yêu hơn gia đình, bạn bè, cuộc sống này hơn” -Nguyễn Đình Tú nói.


Bạn đọc nhỏ xếp hàng xin chữ ký vào sách của Nguyễn Đình Tú tại Hà Nội - Ảnh: Thành Duy

Không chỉ được bạn đọc nhỏ đón nhận, tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của Nguyễn Đình Tú cũng thu về những đánh giá tích cực. Tiến sĩ Ngữ văn Phan Tuấn Anh nhận xét:

“Tiểu thuyết này đủ sức kéo phăng một bạn đọc nhỏ tuổi vào trong thế giới chữ nghĩa của nó. Bởi nhịp độ, tiết tấu nhanh, cốt truyện liên hoàn nhưng đa dạng và gắn với chất phiêu lưu (từ Bắc vào Nam của Hưng), pha chút lãng mạn (các câu chuyện tình yêu) và cả kinh dị, hành động (vụ bắt con trăn khổng lồ, bắn mũi tên vào con chó và tên chủ quán karaoke ôm có bộ râu quai nón”.

Tiến sĩ Giáo dục học Thụy Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách Cùng con - chia sẻ cảm nhận:

“Chiếc ba lô màu đỏ là biểu tượng của cái thiện, cái trong sáng được lọc ra bằng những kỷ vật, ký ức, kỷ niệm - những gì đẹp nhất con người ta có thể có được, và cũng là thứ khiến cậu bé Hưng trở nên khác biệt, là sự ấm áp vững chãi để cậu dựa lưng vào, vượt qua mọi thử thách trên chặng đường lưu lạc ấu thơ”.

Theo Nho Quân/TTO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn



Tin cùng chuyên mục
Các tin khác