Bụi tre
Cập nhật ngày: 13/07/2015 12:19:47
Nhiều lần đi thăm nhà học trò ở những vùng nông thôn sâu, vào tận trong những ấp, xóm xa xôi hẻo lánh, hình ảnh mà tôi nhớ nhất là những bụi tre mát rượi đứng đầu vàm. Sở dĩ tôi ghi nhớ hoài hình dáng những bụi tre gai, tre ngà đứng ở ngã ba đường hay ven bờ sông vì chúng vô cùng giống nhau, vừa qua hết đoạn đường này rẽ ngoặt sang xóm khác cũng thấy cái bụi tre với góc đứng và thế đứng giống y hệt như vậy, cho nên khi đi vô vùng sâu tôi cứ bị lạc đường hoài là vì lý do đó.
Bụi tre vốn là hình ảnh “xa xỉ” ở phố thị, nhưng lại vô cùng phổ biến ở những vùng thôn quê, đặc biệt là ở mút sâu tận những xóm nhà cuối “rạch”, hun hút quạnh hiu vắng vẻ. Có những gia đình nghèo, căn nhà lá nhỏ xíu nằm nép trọn dưới bóng bụi tre già. Trưa, những đứa trẻ con vùng quê hay ra mắc võng giữa hai thân cây tre mà nằm ngủ ngon lành. Cha mẹ chúng đi làm đồng cả ngày, trẻ con ở nhà chơi với nhau dưới bóng tre mát rượi, rồi chúng ăn, ngủ ngay bên cạnh những bụi tre thân cao vút, từng đoạn thân cây cứ bóng ngời lên trông thật đẹp. Có gia đình còn bắc một cái chõng tre ở ngay bụi tre cạnh nhà, bữa cơm chiều cả nhà cùng quây quần trên chiếc chõng làm bằng những thanh tre chắc chắn ấy, thật vui và ấm cúng. Tôi đi qua nhiều con đường đất nhỏ ở vùng quê, thấy đoạn đường nào, xóm ấp nào cũng có nhiều những bụi tre như vậy. Cứ chạy qua một khúc đường đồng vắng chang chang nắng, thấy xa xa thấp thoáng bóng tre là trong bụng lại mừng thầm, vì bụi tre nào cũng vậy, chúng bao phủ xung quanh mình cả một vùng nho nhỏ cái không khí mát dịu, êm êm, làm lòng người thư thái, một không gian yên tĩnh rất đặc trưng của vùng quê.
Khi tôi hẹn với một cậu học trò nhờ em dẫn đường đến thăm nhà một học sinh khác, em dặn: “Em chờ cô ở chỗ bụi tre bự đầu bến đò Nhị Mỹ, nha cô!”, bất giác tôi phì cười, hỏi lại em: “Cái bụi tre bự đó nó như thế nào?”. Em mất vài phút để mô tả “tầm cỡ” của cái bụi tre “bự” đó, nhưng sau đó tôi lại cũng phải hỏi thăm đường vì ở xứ này, bụi tre nào nó cũng giống như nhau cả!
Bụi tre thường hay đứng ở đầu sông, đầu vàm, đầu bờ ruộng hay đầu ngả rẽ của những đoạn đường đất ở vùng thôn quê. Ngày nắng đi học đường xa mỏi chân, học trò rủ nhau dừng chân dưới bóng tre nghỉ mệt, trò chuyện rôm rả. Ngày mưa đường đất lầy dính dép, học trò rủ nhau ghé lại chỗ bờ tre có gò cao và rộng mát, kéo nhau xuống cây cầu bến cọ rửa dép giày rồi mới đi tiếp đến trường.
Cây tre vốn đơn sơ và thuần khiết, không bon chen nơi phồn hoa phố thị, là một nét đặc trưng của những vùng quê. Mùa cắm trại năm nào học trò cũng rủ nhau về nhà những đứa ở tuốt trong “ngọn” để chọn đốn cho được những cây tre có thân lóng thật đẹp mà làm trại. Học trò vùng quê mộc mạc, tính tình chân thật, giản dị, vừa tất bật phụ giúp cha mẹ việc ruộng đồng xong là thoăn thoắt chạy đến trường để học với thầy với bạn. Nhìn những gương mặt rắn rỏi của học trò vùng quê, tôi thấy các em thật đẹp, nét đẹp thuần khiết giống như là những thân tre thanh mảnh nhưng bao giờ cũng cứng cáp và dẻo dai trong nắng gió.
Ngọc Điệp