Tạp văn
Sa Đéc, hôm qua...
Cập nhật ngày: 14/07/2014 04:32:00
Cậu về qua phố những ngày chưa lập hạ mà bằng lăng tím khắp nẻo đường. Cùng là loại cho hoa tím, nhưng trên vòm cây bày ra nhiều sắc độ khác nhau. Cậu nhận ra có đến gần chục cây bằng lăng nở hoa màu tím sen ngọt ngào. Dường như cây hiểu vị phù sa của vùng đất này. Phượng cũng đã thắp lửa lưa thưa trong vòm xanh. Ve sầu nhiều quá đỗi. Tiếng chúng ken dày cả không gian phố. Thấy nhiều mới lạ chốn này. Những quán cà phê yên ả, đẹp sang trọng, lạ lẫm trong từng góc nhìn. Cậu long rong ngang qua những con phố mới, tăm tắp cây xanh ngay hàng, thẳng lối. Những khu đất vun đầy cỏ dại. Chúng tự do mọc, thắp xanh ước vọng về những khu nhà hiện đại trong nay mai. Phố mới làm cậu lúng túng trong cách nghĩ, cách nhìn.
Người ta dễ vụng về với những gì không thuộc về mình. Chỉ có nỗi nhớ quen là gần gũi.
Cậu trôi qua những con phố cũ. Chùa cổ trầm mặc, riêng tư giữ cho phố già vơi đi những ồn ã. Xe cộ vẫn xuôi ngược, người người vẫn tất bật chuyện bán mua, nhưng sao cậu thấy chốn này yên ả hơn phố mình đang sống và làm việc. Dường như ký ức cũng biết ru hời. Đôi lần, cậu nghe người ta nói về sự chậm chạp, tụt hậu của một đô thị già 300 tuổi. Cậu lơ ngơ nghĩ ngợi, một chút rồi thôi. Không lạm bàn những điều to lớn ấy. Cũng có thể “cái tầm nghĩ ngợi” của cậu nó chỉ thấp và hẹp đến vậy.
Phố Phan Bội Châu không còn xóm nghèo ven con rạch nhỏ từ lâu lắm rồi. Cổ thụ trăm năm cũng không còn mấy cội. Phố đẹp dịu dàng, đôi hàng liễu rũ sóng sánh gió sông. Vậy mà lần nào qua cũng thấy mới. Như vừa có cuộc đổi thay hôm qua thôi - như nhà ngoại vẫn còn dưới bến phố ấy, khói bếp từ tay ngoại vẫn len mờ ra phía sông. Ngôi chùa nhỏ cậu hay ngã giấc trưa bên hiên sau cũng thôi cũ kỹ. Chùa mới uy nghi, lồng lộng vươn cao kiến trúc và vật liệu hiện đại. Chỉ có tiếng chuông là vẹn nguyên qua năm tháng. Cậu thèm một giấc trưa, bất chợt.
Quê ngoại, nên cậu nghĩ phố này là... của mình. Nghĩ trong trẻo quá. Nhưng mà cậu không nhớ tên đường. Mỗi góc phố, con đường in trong cậu một kiểu nhớ lạ. Nhớ cà phê quán cóc Thanh Bình, cạnh chùa hai ông voi, có nhiều ông già hay ngồi buổi sớm. Tiếng vọng chuông, tiếng kinh cầu thay cho mấy bản bolero xưa cũ. Thấy các ông uống ngon từng ngụm ban mai. Nhớ cầu sắt quay nối qua phố bên dòng Sa Giang, đất lở hoang mang lòng người. Nhớ trường Quang Minh mỗi tuần một bận leo lên tuốt trên cao coi... xổ số. Ngang đó là trường nữ. Màu vàng đặc quánh thời gian. Sau này lớn lên cậu mới biết ấy là ngôi trường gắn với tiểu thuyết Người tình. Nhưng cậu không thấy yêu thêm ngôi trường này. Vì cậu đã yêu quý nó từ lâu rồi, nơi mẹ và các dì theo học suốt thời niên thiếu, loạn lạc chiến tranh. Con đường bờ sông cũng có quá nhiều yêu thương trong cậu. Chợ ven sông tấp nập ghe xuồng. Tiếng thương lái hoà trong tiếng người nông dân từ quê ra chợ thành một loại thanh âm của cuộc mưu sinh bến chợ. Những mặc cả mà hồi xưa cậu nghe người lớn gọi là “trả giá” coi bộ quyết liệt lắm nhưng rốt cuộc cũng vẹn lòng đôi bên. Trẻ con nên cậu không hiểu được chuyện thiệt hơn trong những phiên bán mua bến chợ. Phố trong cậu còn có nỗi nhớ về người hoạ sỹ già ở nhà văn hóa. Ông cầm tay cậu, mở mang cho cậu những ý niệm đầu tiên về hội hoạ. Lớp học hè bên trong ngôi đình dùng làm nhà văn hóa, cột đen bóng loáng. Nhớ có lần cậu đã vẽ một góc hiên nắng sớm sau đình. Những sợi nắng xiên, thô ráp nét vẽ thơ ngây xuyên qua hàng cột gỗ lim đen bóng. Cuối buổi học, cậu thấy ông thầy xoa đầu mình miết. Ông không nói gì, chỉ mỉm cười với cậu. Nụ cười hiền khô phía chòm râu bạc.
Phố già có những cội sao, dầu cỗi cằn nhưng vung cành lên nền xanh vững chãi. Những cánh tay vịn lấy thời gian giữa chênh chao đất trời, thưa dần lá biếc, lộc non. Cậu nhớ muôn cánh sao xoay tròn những mùa hạ ấu thơ. Thời gian đã mang cây xa phố. Những cỗi cằn đã thay bằng xanh non mơn mởn.
Thì thôi, cảm ơn những mới mẻ, non xanh đã níu cậu về, hôm qua...
Nguyễn Phạm Đình Thảo