Trước cổng trường có một que kem
Cập nhật ngày: 27/09/2016 09:13:19
Hồi nhỏ, tôi không phải là một đứa bé ít ăn vặt. Nhưng hồi nhỏ của tôi, lại không có quá nhiều thứ quà bánh để ăn như bây giờ. Những món ăn vặt là cóc, ổi, mía được trồng trong vườn nhà, khoai lang, khoai mì cũng có sẵn trong vườn nhà để luộc lên ăn. Những bữa ăn vặt thịnh soạn nhất là những bữa được má đi chợ về mua cho gói bánh bèo, cái bánh cam nhỏ và ít ỏi, vừa ăn vừa sợ hết.
Hồi nhỏ, ở xóm thỉnh thoảng có xe cà rem chạy ngang, nghe tiếng chuông leng keng là tôi phóng nhanh ra đường đất chờ chú bán cà rem đi ngang để ngó cái thùng cà rem một cái. Cà rem bán ở xóm nghèo có thể không phải mua bằng tiền, mà đổi bằng đôi dép nhựa đứt, cái thau nhôm bể để người bán tự đổi ve chai. Vậy nên hồi nhỏ có cái thói quen để dành đồ ve chai để đổi cà rem, nhưng cũng có khi huốt ăn, vì má tôi gom bán cho bà ve chai khác để “ve chai mủ bể đổi đồ mới” lại mà dùng.
Vậy đó cái thời ăn vặt tuổi nhỏ. Lúc cắp sách đến trường mới hoa mắt lên vì trước cổng trường có hàng chục thứ bánh trái quà vặt mời gọi: cà rem, xi rô đá bào, bánh tráng cuốn dừa nạo rưới đường dẹo quẻo, kẹo kéo, kẹo ngọt đủ màu trong vắt, mứt chùm ruột đỏ au cắm sẵn trong que tre... Đủ thứ màu sắc, đủ thứ âm thanh kéo chân đám học trò. Đứa có tiền mua ăn, đứa không tiền đứng ngó tay những người bán điệu nghệ nhanh nhẹn, tất nhiên tâm khảm không ít nỗi thèm thuồng. Đứa nào lâu lâu có tiền, mua được cái kẹo kéo thì ước mơ phải chi chú bán kẹo đừng dứt khoác bẻ phựt thanh kẹo ngắn tủn, mà kéo thêm dài dài chút nữa, chú bán xi rô đá bào phải chi rót thêm tí xi rô thơm mùi cam cho nó thấm xuống tới đáy bịch, chớ rót chi có miếng tí xíu trên mặt nước đá bào mịn cắn tê răng một phát là tan thành nước rồi...
Tôi không diễn tả cái thời ấy đáng yêu cỡ nào, chỉ biết rằng chắc là mình khó mà ăn lại miếng kẹo kéo thơm bùi như thế, ăn lại miếng kem chuối toàn bột mà ngon như thế, hay miếng bánh chao có vị lạ lùng mà mãi sau này mới biết bánh chao là thứ bánh trung thu hết mùa trung thu cán mỏng sấy lại.
Nhưng từ lúc có con đi học, tôi cũng giống như mọi bà mẹ khác, bỗng nhiên “dị ứng” với thức ăn bán trước cổng trường. Đâu đó là nỗi ám ảnh bởi các loại thực phẩm sạch, thực phẩm dơ, và hầm bà lằng những trở ngại và lo lắng khác liên quan đến sức khỏe và sự đề kháng của con trẻ trong môi trường đầy bụi bẩn phố xá này.
Vậy nên, những buổi tan trường là những buổi mẹ nắm tay con len vội qua dòng xe cộ, hầu như chúng tôi chưa bao giờ dừng lại để ngó nghiêng những thùng kem, xe kẹo bông gòn, tủ cá viên chiên, xe trái cây lắc dã chiến trước cổng trường.
Nhưng bữa kia, đang rôm rả chuyện trò, con bỗng níu tay mẹ, nói: Mẹ, con muốn ăn kem. Người mẹ có hơi sựng lại, nhưng rồi đưa ra đủ lý do tiêu cực của cây kem trước cổng trường để nhất quyết kéo tay con đi. Bữa khác, cũng cái níu tay con lần nữa: Mẹ, kẹo bông gòn là gì mẹ? Có ngon không? Đứa trẻ không đòi mẹ mua mà hỏi vòng vo, kiểu của người bị từ chối một vài lần. Người mẹ khựng lại nhưng rồi lại nắm tay con quày quả bước. Thôi con ạ, kẹo bông gòn toàn màu không à, ăn không có tốt đâu. Đứa trẻ ráng núm níu: Ủa con thấy cũng có màu trắng mà mẹ. Mẹ vẫn lắc đầu. Còn nhiều món ăn “có lợi” khác đã được mẹ chọn sẵn, chờ sẵn ở nhà.
“Sao con luôn không được thử ăn kem hả mẹ?” - có lần kia con hỏi lại. Những ám ảnh, nỗi lo sợ của tôi dành cho con nhiều đến nỗi tôi luôn nói “không” với con, luôn từ chối các yêu cầu “ăn cái gì đó trước cổng trường nha mẹ”.
Nhưng bữa kia, bỗng con dặn: “Chiều mẹ nhờ bà đón con nữa nha mẹ”, hỏi con thích bà đón hơn mẹ à. Con nói: Dạ, vì bà cho con ăn kem.
Người mẹ ngớ ra, chợt rưng rưng muốn khóc cho tuổi thơ đầy “mất mát” của con mình. Vậy đó rồi một chiều nọ sau giờ học, cùng con sà đến xe kem. Con trai không đợi mẹ ừ, mà gọi í ới: “bác bán cho con hai cây kem, mẹ con một cây con một cây, loại 5 ngàn thôi nha bác”. Bác bán kem cười xòa: Ừ chờ bác chút nhé, con trai.
Thấy con nhảy lưng tưng, vai đeo cặp sách, tay cầm que kem, mắt lấp lánh mà mẹ bỗng vui, dù trong lòng vẫn ngổn ngang chuyện thực phẩm sạch, dơ. Niềm vui của con lớn quá, mẹ không đành giữ mãi nguyên tắc sắt đá của mình. Kẻo rồi tuổi thơ con, chẳng còn một ký ức xinh tươi nào nữa.
MINH PHÚC