“Cư dân” nhà bè
Cập nhật ngày: 23/11/2012 13:33:59
Cứ ngỡ cuộc sống của những người mượn ghe, bè làm nơi sinh hoạt có lắm nỗi âu lo nhưng khi được trò chuyện cùng họ mới cảm nhận được, bên cạnh những lo toan đời thường thì họ vẫn lạc quan.
Cô Đặng Hồng Thủy nấu nước pha trà đãi khách tại bè
Qua chiếc cầu treo bắc ngang con kênh rồi lần theo con đường ngoằn ngoèo, cuối cùng chúng tôi cũng đến được một khúc doi của bờ sông Cần Lố (khóm Mỹ Phú Cù Lao, thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) - nơi có hàng chục bè đang được người dân thả nuôi cá, trong đó 9 bè có 9 hộ dân sinh hoạt, ngày đêm, xem đây như là nhà. Đó là những hộ dân đã có nhà đến đây tha hương cầu thực, là những đôi vợ chồng trẻ chưa có đất ở được ba mẹ cho bè nuôi cá và “tá túc” tránh mưa nắng.
Sống trên bè ngang 5m, dài 10m và độ sâu 3,5m, cô Đặng Hồng Thủy, 50 tuổi, quê xã Tân Quới, huyện Thanh Bình cho biết, bè có diện tích không rộng lắm nhưng đủ để sinh hoạt cho 4 mẹ con, trong đó có người con dâu út. Dù đã quen dần với từng nhịp sóng trên sông Cần Lố cũng như cách sống trên bè, nhưng với gia đình cô Thủy, cuộc sống dưới bè đôi lúc cũng làm cô cảm thấy lo âu. Đó là khi nước ròng chảy xiết, bè tự hạ xuống, cả gia đình không ai dám ở trên bè vì sợ dây bè bị đứt gặp nguy hiểm.
Kể về chuyện đời sống sinh hoạt dưới bè, cô Thủy bùi ngùi bộc bạch: “Con dâu lớn tôi về sống thấy cực khổ, nhiều lần nó than thở nói sống nơi trên nắng, dưới nước không quen. Có lẽ vì không quen cuộc sống sông nước nên con dâu tôi bỏ đi đến nay không về”.
Bên cạnh nỗi lo, đời sống dưới bè cũng mang đến những niềm vui cho cô Thủy và các con. Cô bảo: “Những khi buồn, tôi ngồi cho cá ăn, cá nhảy lên tung nước mình cảm thấy vui vui. Những khi cá xuất bè trúng mánh, hay có những con cá nào lớn thì thằng con tôi rủ mấy đứa bạn lại ngồi ăn tiệc, hát ca vui lắm. Sống ở đây lâu ngày rồi quen, nước sông có sẵn mặc sức tắm, giặt giũ”.
Dọc sông Kênh 16 (khóm Mỹ Phước, phường 3, thành phố Cao Lãnh) vẫn còn một số hộ dân chuyên nghề bán dừa mượn ghe làm nhà để sống. Cuộc sống dưới ghe tuy lắm vất vả khi nơi nghỉ, sinh hoạt chỉ là những tấm ván ở phía dưới mui hay giấc ngủ về đêm chòng chành theo con nước, nhưng với họ, đó là những tháng ngày với nhiều kỷ niệm đẹp.
Chị Cao Thị Tuyết Hồng cho biết, khi lập gia đình vào năm 1988, vợ chồng chị mua được một chiếc ghe của người chuyên làm nghề chở khoai mướn bán lại. Từ đó, vợ chồng lênh đênh buôn bán trên sông. Năm 1990, chị neo ghe tại bến tàu cũ, chợ Cao Lãnh. 6 năm nay ghe chị được dời về Kênh 16. Sống trên sông nước trên 20 năm, vợ chồng chị Hồng có lắm kỷ niệm vui buồn. Có lần đi bán dừa về thấy ghe chìm chỉ còn phần mui, khoảng 30 người hàng xóm (cả trên bờ lẫn dưới sông) xúm nhau phụ vớt tài sản và kéo ghe lên tiếp chị.
Nói về chiếc ghe, cũng là nơi nương tựa đi về của gia đình, chị tâm sự: “Cả 2 người con tôi đều được sinh ra và lớn lên ở dưới ghe này, nhờ ghe mà vợ chồng tôi sống và nuôi con cái ăn học đến hôm nay, các con tôi đều là học sinh giỏi. Nhớ hồi sanh con ra sợ thiếu chỗ ngủ nên ghe tôi được sửa lại có chiều ngang được 3m, dài gần 10m cho rộng rãi. Ghe được sửa rộng ra tôi mừng lắm. Nhiều người đến sửa ghe tiếp thấy vợ chồng tôi mừng nói chơi: Vợ chồng con Hồng cất nhà lầu nên nó vui quá. Giờ tôi đã có nhà nhưng nhà xa, sống đậu ghe gần chợ dễ mua bán. Sống ở đây bà con rất yêu thương nhau”.
Chuyện những người dân sống trên sông tuy gặp không ít vất vả, khó khăn nhưng họ vẫn biết vượt qua để sống và tìm được niềm vui nơi miền sông nước.
Hữu Nghĩa