Tích cực ứng phó với tình hình mưa, lũ và thời tiết diễn biến khá phức tạp
Cập nhật ngày: 25/09/2024 14:24:58
ĐTO - Ngày 25/9, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), vào ngày 23/9/2024, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh và lượng mưa đo được dao động ở mức từ 1,0 - 30,4mm. Mực nước lũ tại các trạm trên sông Mekong đang lên nhanh và ở mức cao từ 866 - 2.118cm. Mực nước lúc 7 giờ ngày 23/9/2024 ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 từ 77 - 267cm. Mực nước lũ lên nhanh trên các sông có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông. Các địa phương khu vực đầu nguồn như: huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, huyện Thanh Bình và TP Hồng Ngự có hiện trạng các ô bao tương đối ổn định, đảm bảo sản xuất, nhưng các địa phương cũng chủ động hệ thống bơm tiêu úng trong trường hợp mưa lớn kết hợp lũ thượng nguồn.
Cơn mưa kèm theo dông lốc gây tốc mái nhà của người dân tại xã Tân Phước, huyện Tân Hồng vào chiều ngày 13/9/2024
Đối với 2 huyện nội đồng vùng Tháp Mười: Tam Nông, Tháp Mười có hiện trạng các ô bao tương đối ổn định, đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, mực nước lũ nội đồng đang lên nhanh, do đó một số ô bao thuộc 2 xã: Hưng Thạnh, Thạnh Lợi (huyện Tháp Mười) có nguy cơ bị tràn khi nước lũ lên cao kết hợp mưa lớn cục bộ, cần chủ động hệ thống bơm tiêu úng trong trường hợp mưa lớn kết hợp lũ thượng nguồn. Các huyện, thành phố khu vực phía Nam của tỉnh, mặc dù cường suất tăng của mực nước lũ đã chậm lại, song nước lũ vẫn đang ở mức cao, một số vùng có nguy cơ bị tràn, nhất là các xã: An Khánh, An Nhơn, Tân Nhuận Đông… thuộc huyện Châu Thành.
Trước tình hình mưa dông và khu vực bị ảnh hưởng do lũ, nhất là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện tại Công văn số 648 ngày 20/9/2024 về việc chủ động ứng phó với bão số 4, mưa lớn diện rộng, lũ lên nhanh kết hợp triều cường trong thời gian tới, Sở NN&PTNT phối hợp với một số địa phương kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các tuyến bờ bao trên địa bàn tỉnh an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ; chỉ xảy ra tràn cục bộ khoảng 50m bờ bao ở Long Hậu và khoảng 1,5m khu vực đập bảo vệ sản xuất nông nghiệp tại xã Tân Hòa (huyện Lai Vung), nhưng địa phương đã gia cố khắc phục, chưa gây thiệt hại cho người dân địa phương; một vài ô bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp tại 2 xã Tân Bình và An Phú Thuận (huyện Châu Thành) bị nước tràn, nhưng địa phương chủ động tích cực khắc phục, nhằm tránh thiệt hại cho người dân.
Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng mực nước lũ, Sở NN&PTNN đề nghị UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như: đối với sản xuất lúa, hoa màu tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu và lúa đến thời kỳ thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại. Đối với các vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, hoa kiểng ở các nếu đến thời kỳ thu hoạch cần tập trung thu hoạch sớm; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tổ chức bơm tiêu úng bảo vệ an toàn cho các vườn cây ăn quả bị ngập úng.
Người dân huyện Châu Thành chủ động dùng bạt nylon ngăn dòng nước tràn vào vườn cây ăn trái
Cùng với đó, chủ động xả lũ lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị mùa vụ mới (thực hiện xả lũ đối với những ô bao đã thu hoạch lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày của vụ Hè Thu mà không xuống giống vụ Thu Đông và Ô bao đã thu hoạch lúa Thu Đông). Riêng tại huyện Tam Nông, từ tình hình kiểm tra khảo sát thực tế tại ô bao số 37 và ô bao số 41 thuộc xã Phú Cường kiến nghị khẩn trương chỉ đạo UBND xã Phú Cường tiến hành gia cố nâng cấp các đoạn xung yếu nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất, đồng thời thành lập tổ giám sát thường xuyên kiểm tra để sớm phát hiện những trường hợp bất thường để kịp xử lý và chỉ đạo tổ chức dịch vụ bơm tưới tiêu chủ động túc trực 24/24 để tăng cường bơm rút nước để tránh thiệt hại không đáng có.
Các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và TP Sa Đéc cần tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, phân công cụ thể từng thành viên Ban Chỉ huy phụ trách địa bàn rà soát hệ thống cống, trạm bơm đặc biệt là các tuyến ô bao, bờ bao xung yếu, đồng thời chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị, máy bơm tiêu úng sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có mưa lớn kết hợp nước nội đồng đang lên nhanh. Ngoài ra, huy động các lực lượng, khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, trạm bơm, chuẩn bị lực lượng, phương tiện bơm tát bảo vệ diện tích lúa vụ 3, cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thuỷ sản; sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra.
T.Đ-V.H